Có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm cửa Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn và cửa Đáy và các bãi ngang; 2 tuyến sông giáp ranh tỉnh ngoài là sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu dài 3,5km; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Hệ thống các cầu lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng; cầu Đò Quan, cầu Nam Định vượt sông Đào; cầu Lạc Quần, Thịnh Long và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. Ngoài các điểm vượt sông, trên các tuyến đường thủy có phương tiện chở hàng hóa và khai thác, đánh bắt thủy sản hoạt động.
Phương tiện vận tải thuỷ lưu thông trên sông Đào đoạn qua địa phận thành phố Nam Định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, thời gian qua Nam Định vẫn chưa tận dụng hết những tiềm năng, lợi thế này để thúc đẩy phát triển vận tải thuỷ nội địa nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đường sắt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một trong những nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông đường thủy nội địa chưa đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã dành nhiều nguồn lực đầu tư 2 dự án trọng điểm về đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh trong gần 10 năm qua nhằm giúp tháo gỡ “điểm nghẽn”, phát triển mạnh vận tải thuỷ nội địa. Từ năm 2014, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thi công cụm công trình luồng qua cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang) và các công trình bảo vệ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6).
Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác tháng 7/2016 đã chấm dứt được một số tình trạng diễn biến phức tạp của cửa sông này như thường xuyên thay đổi, luồng tàu nhanh bị bồi đắp qua cửa sông, tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000 tấn ra, vào bến cảng biển và các cảng, bến thuỷ nội địa trong tỉnh Nam Định cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Công trình cũng góp phần phát triển hoạt động vận tải thuỷ và là cửa ngõ giao thông đường thuỷ nội địa quan trọng, giúp các tàu sông pha biển (tàu SB) có thể vào sâu trong đất liền, giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Nam Định nói riêng. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) công trình luồng qua cửa Lạch Giang - sông Ninh Cơ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, lượt tàu ra, vào cảng biển Nam Định có sự tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa vận chuyển bình quân giai đoạn 2016-2021 trên 50%/năm. Năm 2021, hàng hóa qua cảng khu vực này đạt gần 1,3 triệu tấn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ GTVT đang thi công cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án “Phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc Bộ” (WB6) là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc với tổng mức đầu tư khoảng 107 triệu USD với các hạng mục chính gồm: Kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ và âu tàu; kênh dẫn vào âu tàu; bờ kè, đê phóng lũ. Khi công trình hoàn thành sẽ giúp giảm 20% thời gian di chuyển của phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến cảng thủy Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình), giảm chi phí vận tải thủy, tạo động lực cho phát triển vận tải thủy và kinh tế - xã hội tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể là sau khi việc cải tạo kênh hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải có thể lưu thông qua sông Ninh Cơ thuận lợi không phụ thuộc vào dòng nước, từ đó có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Phúc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động vận tải thuỷ của Nam Định còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân chủ yếu như: nhu cầu và lượng hàng hoá vận tải thuỷ không ổn định, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển trên địa bàn tỉnh giảm sút nghiêm trọng; vì vậy, lượng tàu thuyền ra vào khu vực cảng biển Nam Định còn hạn chế. Ngày 31/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Theo Quy hoạch, hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình nằm trong số 9 hành lang vận tải thuỷ của cả nước với khối lượng vận tải khoảng 27,8-30,1 triệu tấn. Trong đó, Nam Định nằm trong tuyến vận tải thủy Hà Nội - Lạch Giang, quy hoạch cấp I với tổng chiều dài 196km; trong đó tuyến từ cửa Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ dài 19km được quy hoạch cấp đặc biệt, tuyến từ kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến cảng Hà Nội dài 177km được quy hoạch cấp I. Về cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa, các tuyến sông Đào Nam Định (từ ngã ba Độc Bộ đến ngã ba Hưng Long) dài 33,5km là quy hoạch cấp II; sông Ninh Cơ (đoạn từ cống Châu Thị về phía hạ lưu đến ngã ba Mom Rô) dài 47km là quy hoạch cấp I; kênh nối Đáy - Ninh Cơ (đoạn từ ngã ba sông Ninh Cơ đến ngã ba sông Đáy) dài 1km là cấp quy hoạch đặc biệt. Ngoài ra, quy hoạch cũng nêu rõ, Nam Định có cụm cảng hành khách Nam Định với cỡ tàu 100 ghế, công suất 100 nghìn lượt khách/năm; 8 cảng hàng hoá. Trong đó 4 cảng hàng hoá hiện có gồm 2 cảng trên tuyến sông Đào là cảng Nam Định (thành phố Nam Định) và cảng Nghĩa An (Nam Trực); 4 cảng xây dựng mới là cảng Nam Định mới (Nam Trực) trên sông Hồng, cảng Nghĩa Hưng trên sông Đáy, cảng Hoàng Vinh trên sông Ninh Cơ (Xuân Trường) và 1 cảng khác.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển vận tải thuỷ nội địa, Sở GTVT đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý cũng như khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển vận tải thủy. Trong tháng 6/2022, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định quy mô đến năm 2030 đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn; kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300 nghìn tấn, quy mô luồng cho tàu 100 nghìn tấn (cỡ tàu đến 200 nghìn tấn, tàu lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải) vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021-2030. Địa điểm xây dựng cảng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy thuộc vùng nước cảng biển Nam Định theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Quy mô bến cảng (đến năm 2030) bao gồm 19 bến cảng (trong đó 2 bến tổng hợp, container cho tàu đến 50 nghìn tấn phục vụ trực tiếp nhập thiết bị trong quá trình thi công và vận hành nhà máy, 1 bến chuyên dùng LNG cho tàu 100-150 nghìn tấn, 6 bến chuyên dùng nhập thép phế và hàng khác cho tàu 50-100 nghìn tấn, 2 bến nhập than và các loại quặng cho tàu đến 300 nghìn tấn, 6 bến xuất sản phẩm thép cho tàu đến 50 nghìn tấn, 2 bến chuyên dùng xuất clinker cho tàu 50-100 nghìn tấn), các khu neo đậu chuyển tải, chờ đợi cầu.
Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đường thủy nội địa đã được UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu cho cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch đối với các bến thủy nội địa trên sông Trung ương không đáp ứng yêu cầu về đất đai, về hành lang bảo vệ đê điều và hành lang an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; đồng thời hiệu chỉnh lại các lý trình bến theo lý trình sông nhằm thuận lợi cho công tác quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa số 4, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước. Đối với các sông địa phương đã được công bố luồng tuyến, tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa; đề xuất nạo vét hoặc gia cố luồng tuyến đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, đặc biệt là các phương tiện trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tỉnh và các vùng lân cận, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển mạnh vận tải thuỷ.