Cục ĐTNĐ tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn vận tải đường thủy nội địa

Thứ tư, 14/12/2022 08:30 GMT+7

Cục Đường thủy nội địa VN tăng cường triển khai Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, kiểm tra, tuyên truyền đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa qua, Cục và các đơn vị trực thuộc đã chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên các tuyến và các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định, thực hiện nghiêm Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ.

Đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, nhất là đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa. Cùng đó kiểm tra công tác quản lý hoạt động của phương tiện vận tải khách ngang sông, phương tiện thủy thô sơ…

Trong tháng 11 năm 2022, các lực lượng Chi cục, Cảng vụ đã triển khai 17 cuộc kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 96 trường hợp với số tiền xử phạt trên 177 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 07 trường hợp trong đó có 03 trường hợp cảng bến, 02 trường hợp phương tiện vi phạm, 02 trường hợp khác. So với tháng 10 năm 2022 trường hợp xử phạt vi phạm giảm 12 trường hợp (96/108), số tiền vi phạm giảm 142 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra hoạt động AT ĐTNĐ tại một số cảng,

bến thủy nội địa, bến khách ngang sông

Phối hợp liên ngành kiểm tra được 28 đợt, phát hiện 65 trường hợp vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, xử phạt với số tiền trên 126 triệu đồng

Cục Đường thủy nội địa VN chú trọng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động GTVT đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu các thiệt hại nếu có. Cục đã tổ chức 03 đoàn kiểm tra công tác này trong năm 2022 tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương; thực hiện kiểm tra và tập huấn, huấn luyện cho 28 tỉnh trọng điểm ven biển.

Qua kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện, thuyền viên đã nổi lên một số nội dung cần phải triển khai xử lý sớm. Điển hình là thuyền viên chưa sử dụng thành thạo các trang thiết bị trên buồng lái, một số thuyền viên không biết sử dụng trang thiết bị đã được trang bị trên phương tiện như AIS, Radar; Các thuyền trưởng, thuyền viên hiểu biết về tránh va rất hạn chế.

Về quản lý, nhân sự quản lý của doanh nghiệp chỉ thực hiện theo kinh nghiệm, không có đào tạo căn bản, doanh nghiệp không xây dựng các quy trình quản trị rủi ro như các phương án, quy trình khi phương tiện chìm đắm, mắc cạn, hàng hóa hư hỏng, thuyền viên tai nạn trên tàu…, không có chương trình tập huấn, huấn luyện cho thuyền viên...

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, thuyền viên

Ở cấp đơn vị cơ sở, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời thông qua kiểm tra hướng dẫn doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái phương tiện thực hiện đúng các quy định liên quan trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Cảng vụ đã chỉ đạo các đại diện, các tổ cảng vụ tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm, đặc biệt là những trường hợp gây mất TTATGT đường thủy nội địa, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa như: Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người được phép chở, thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn..., cảng, bến hoạt động quá thời hạn.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện chở cát, đá, sỏi về đăng ký, đăng kiểm, xuất xứ hàng hóa, thiết bị giám sát hành trình; Nghiêm cấm việc cấp phép vào, rời cho các phương tiện từ bến không phép, các cảng bến không đủ điều kiện hoạt động.

Về phương hướng thời gian tới, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa, tập trung vào các hành vi, vi phạm nhằm tránh tái diễn.

Cùng đó phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các bến khách ngang sông, cảng, bến hành khách, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chở khách trên đường thủy nội địa. Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)