Thời gian qua, tỉnh đã tập trung bố trí, huy động các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại kết nối thuận tiện trong nội tỉnh và liên tỉnh.
Tuyến đường kết nối xã Tam Hợp và xã Thiện Kế (Bình Xuyên)
đang được đẩy nhanh tiến độ thi công
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ liền kề với Thủ đô Hà Nội. Hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, với tổng chiều dài đường bộ hơn 7.200 km; đường sắt trên 35 km và đường thủy trên các tuyến sông chính dài hơn 120 km.
Hệ thống giao thông đường bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng được quy hoạch phát triển theo mô hình hướng tâm kết hợp vành đai, được phân cấp kỹ thuật và cấp quản lý dựa trên chức năng của từng tuyến và phân bố tương đối đồng đều trong tỉnh.
Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai chiều dài trên 40 km; đường quốc lộ tổng chiều dài gần 90 km; đường tỉnh có 17 tuyến, tổng chiều dài hơn 400 km; đường đô thị hơn 25 km; đường giao thông nông thôn tổng chiều dài trên 6.400 km và đường chuyên dùng 9 km.
Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội, phương tiện vận tải, cập nhật các quy hoạch chuyên ngành phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực đất đai, ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nguồn vốn của các doanh nghiệp và nhân dân để tập trung đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm có tính đột phá, các tuyến đường trục, đường vành đai, tỉnh lộ, huyện lộ.
Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan chuyên môn về xây dựng công trình giao thông, đảm bảo đáp ứng năng lực theo quy định để tổ chức thực hiện tốt vai trò chủ đầu tư và quản lý các dự án công trình giao thông.
Công khai, minh bạch, đăng tải đầy đủ các thông tin theo quy định và tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; xây dựng, lựa chọn các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp nhằm lựa chọn các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thẩm tra, giám sát và thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác quản lý chất lượng trong quá trình thi công. Thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình ngay trong giai đoạn thi công, có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tồn tại, vi phạm…
Nhờ vậy, đến nay, việc phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đã đạt nhiều kết quả quan trọng. 100% các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, đường huyện được cứng hóa bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng.
Các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng, loại hình cũng như quy mô và nguồn vốn đầu tư xây dựng, đặc biệt các tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai đã và đang dần được đầu tư hình thành khép kín theo quy hoạch.
Tỉnh đã hình thành 5 tuyến đường vành đai có tổng chiều dài gần 260 km, đã đầu tư và đang đầu tư xây dựng gần 200 km, còn lại khoảng 60 km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.
Hạ tầng giao thông nông thôn cơ bản được cứng hóa theo quy mô tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Hiện, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lớp mặt đạt trên 94% tổng chiều dài; đường trục xã cứng hóa đạt 100% tổng chiều dài.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2020 và 2021, Vĩnh Phúc là một trong 10 địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước.
Đây là minh chứng và những ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân của tỉnh thời gian qua.