Lực lượng Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải
tổ chức kiểm tra tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Thời gian gần đây tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định bỏ cả bến xe ra thành lập văn phòng đại diện hay ra ngoài bến chạy xe vòng vo tìm khách, gom khách đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Mặt khác ô-tô kinh doanh tuyến cố định tại thành phố bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km.
Ông Nguyễn Hoàng Long, đại diện nhà xe Tùng Lâm chạy tuyến Đà Nẵng - Nghệ An, cho biết, tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” xe đón trả khách tại nhà trên địa bàn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các tuyến cố định, nhất là hướng tuyến Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng - Quảng Bình; Đà Nẵng - Nghệ An... khi nhiều nhà xe còn công khai bán vé thu tiền trên mạng như xe chạy tuyến cố định, gây cạnh tranh bất bình đẳng, khiến các nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phải thu hẹp hoạt động.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng nêu trên”, ông Long nhấn mạnh. Cùng quan điểm này, anh Phạm Văn Tư, tài xế tuyến buýt Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Xe buýt chạy đúng giờ và lịch trình quy định, các xe dạng hợp đồng, xe ghép.... canh trước các tuyến buýt 5-10 phút là chạy đón khánh trước nên tuyến buýt Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác các xe này có thể chạy thẳng vào nội đô để đón, trả khách nên hành khách chuộng hơn...”.
Trước tình hình trên, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Lành cho biết, từ chỉ đạo của Sở GTVT, Thanh tra sở phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an các quận, huyện tăng cường tuần tra kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên các tuyến đường, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn. Cụ thể, theo kế hoạch công tác đầu tháng 12/2022, Thanh tra Sở GTVT tập trung xử lý vi phạm trật tự giao thông theo các tuyến đường, điểm dừng đỗ xung quanh khu vực Bến xe trung tâm, cầu vượt Hòa Cầm, đường Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Tất Thành, khu du lịch Xuân Thiều, các bệnh viện, trường học có điểm giao dịch đón trả khách.
Ngoài ra, chia ca tuần tra, kiểm soát cho các tổ, đội triển khai từ nay đến 5/1/2023. Được biết, từ ngày 16/12/2021 đến ngày 5/12/2022, Thanh tra Sở GTVT lập biên bản vi phạm hành chính 5.127 trường hợp, với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 855 trường hợp; tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 78 trường hợp...
Theo Chánh Văn phòng ban An toàn giao thông thành phố Lê Văn Lâm, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT) không có quyền dừng các phương tiện di chuyển trên đường dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Lê Văn Lâm cho biết thêm, thời gian qua, Ban ATGT thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn. Bên cạnh đó, đề nghị các lực lượng chức năng liên quan, Ban ATGT các quận, huyện tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm ATGT trên địa bàn.
Cụ thể, đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, rà soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thành lập chi nhánh, văn phòng đại điện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động vận tải khách bằng ô-tô. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm theo quy định hiện hành. Hiện Sở GTVT duy trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông để nắm bắt thông tin, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên zalo, facebook và các trang mạng xã hội khác.