Còn nhiều rào cản
Từ tháng 9/2020, TP Cần Thơ đã phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa vào khai thác 7 tuyến xe buýt chất lượng cao nội tỉnh.
Xe buýt chất lượng cao hoạt động tại Cần Thơ.
Các xe đưa vào hoạt động đều là xe mới 100%, được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại như cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi miễn phí, công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật.
Ðặc biệt, có xe buýt còn ứng dụng công nghệ tiên tiến “in vé tự động bằng máy POS” nhanh chóng và thuận lợi hơn cho hành khách.
Hiện đại là vậy, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa mấy mặn mà với loại hình vận tải hành khách công cộng này.
Anh Nguyễn Hữu Dũng, ngụ quận Ninh Kiều, cho biết: “Tui đã đi xe buýt mấy lần và đánh giá chất lượng rất cao, thái độ phục vụ của nhân viên cũng rất tốt. Tuy nhiên, tui vẫn không mặn mà với loại hình di chuyển này”.
Người dân vẫn chưa mặn mà với việc di chuyển bằng xe buýt.
Theo anh Dũng, từ nhà anh ra trạm xe buýt gần nhất phải hơn 2km, nên buộc phải nhờ người thân chở ra trạm, hoặc đi bộ, kêu xe ôm… Như vậy vừa mất thời gian lại thêm tốn kém. Khi kết thúc hành trình lại phải tốn kém thêm một lần như vậy để đi từ trạm về điểm đến cuối cùng, rất mệt mỏi.
PV đã khảo sát tại các trạm, nhà chờ xe buýt dọc theo các tuyến đường ở quận Ninh Kiều, như: Hòa Bình, 30/4… Có những trạm suốt mấy tiếng đồng hồ không có bóng người.
Còn anh Lê Thanh Phong, cũng ở quận Ninh Kiều thì đánh giá: “Thành phố chỉ có những tuyến xe buýt lớn và chỉ chạy theo những trục đường lớn, chứ không có các tuyến xe buýt nhỏ phủ khắp địa bàn.
Việc này đã gây trở ngại lớn cho người dân là phải đi khá xa từ nơi xuất phát đến bến xe buýt và phải di chuyển trên quãng đường từ bến xe buýt cuối cùng đến đích.
Do các tuyến chưa phủ kín, nên xe buýt hiện nay chỉ phù hợp với những người mà mỗi ngày họ cần di chuyển trên một hành trình cố định. Ở đó, điểm xuất phát và điểm đích đều nằm dọc theo lộ trình các tuyến đó, với khoảng cách vài trăm mét từ nơi cần đến so với trạm dừng xe buýt.
Còn đối với những người phải đi lại nhiều nơi, đến nhiều chỗ thì xe máy vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất”.
Theo nhiều người dân khác, một trở ngại khiến họ không mặn mà với xe buýt đó chính là thời gian.
Nhân viên phục vụ hành khách đi xe buýt ở Cần Thơ.
Lấy ví dụ, người dân có việc cần xuất phát lúc 7h, nhưng lịch trình của xe buýt là 7h30 mới đến trạm. Một số người ban ngày đi xe buýt đến nơi làm việc, nhưng bị lỡ việc phải ở lại công ty đến tối. Và họ không biết phải về nhà bằng phương tiện gì vì lúc này xe buýt đã ngừng hoạt động.
Hơn nữa, xe buýt không đi liền một mạch mà phải dừng ở rất nhiều điểm đón, dẫn đến chuyến xe kéo dài thời gian.
Buýt cần “thuyết phục” được người dân
Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải công cộng (Sở GTVT TP Cần Thơ), toàn TP hiện có 42 xe buýt, trong đó có 36 chiếc loại 40 chỗ, phục vụ 7 tuyến xe buýt gồm Ba Láng - Ô Môn; Cần Thơ - thị trấn Phong Điền - thị trấn Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang); Ô Môn - Lộ Tẻ; sân bay Cần Thơ - bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ - thị trấn Mái Dầm; Ô Môn (phà Phong Hòa) - Vĩnh Thạnh; ngã ba Lộ Tẻ - Kinh B và ngã ba Lộ Tẻ - thị trấn Cờ Đỏ.
Một nhà chờ xe buýt ở quận Ninh Kiều.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, sử dụng xe máy không chỉ đơn thuần là để đi lại mà nó đã hình thành thói quen trong đại bộ phận người dân.
Chính vì vậy, để thay đổi thói quen này thì xe buýt phải cần mẫn, thuyết phục được sự ủng hộ của người dân, lấy chất lượng hiệu quả làm thước đo hài lòng để người dân tin tưởng sử dụng.
Cùng với việc thay đổi chất lượng dịch vụ, TP Cần Thơ cũng đang tiến hành đầu tư hơn 21 tỷ xây dựng 501 nhà chờ xe buýt. Hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, nhưng đến nay, giao thông công cộng vẫn chưa phát triển xứng tầm, hiện chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. Và trở thành một trong những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Đặc biệt, TP sẽ đầu tư xây dựng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Trong đó, đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt trên địa bàn thành phố gồm: Ba Láng, Cái Cui, Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam huyện Cờ Ðỏ, Ðông huyện Thới Lai, Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, Kinh B và sân bay Cần Thơ.
Ðồng thời, nghiên cứu mở mới 5-10 tuyến xe buýt, ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách, nhất là khu vực ngoại thành chuyển tiếp đến trung tâm thành phố.
Ông Đỗ Hoàng Tùng (một cán bộ hưu trí ở Cần Thơ) nhận xét: “Hệ thống xe buýt ở Cần Thơ hiện nay thuộc loại hiện đại nhất nhì của cả nước. Dù còn nhiều bất cập, nhưng so với xe máy nó vẫn có những ưu điểm vượt trội.
Đó là đảm bảo an toàn, người đi xe không phải chịu cảnh gió bụi… Nếu những bất cập trên từng bước được giải quyết, thì người dân chắc chắn sẽ đồng tình và ủng hộ loại hình vận tải hành khách này”.
Từ đầu năm đến nay, xe buýt TP đã vận chuyển hơn 39.300 chuyến, với tổng số hành khách hơn 431.400 triệu lượt khách trên tổng quãng đường di chuyển hơn 254km của các tuyến.