Khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh
Năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Chỉ riêng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 29 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 21 tỷ USD, duy trì thặng dư thương mại 8 tỷ USD.
Bình Dương đang xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
Bình Dương nằm trên trục giao thông trọng điểm từ TP.HCM đi Tây Nguyên và đi Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), Mộc bài (Tây Ninh); Từ Bình Dương cũng dễ dàng về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đường Hồ Chí Minh nhánh N2, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.
Nhờ có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ nên Bình Dương dễ tiếp cận các trung tâm vận tải lớn cả đường bộ lẫn đường thủy, đường sắt và hàng không.
Cùng đó là tốc độ phát triển công nghiệp thương mại dịch vụ ngày càng tăng nên các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng.
Gần 20 năm trước, trong dòng chảy của nguồn vốn đầu tư, lĩnh vực logistics tại Bình Dương cũng phát triển đột phá với nhiều dự án đầu tư lớn như Tập đoàn Mapletree đến từ Singapore.
Tập đoàn này đã đưa vào hoạt động khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với quy mô 68ha và vốn đầu tư 110 triệu USD.
Tiếp theo là Công ty Schenker Việt Nam, thuộc Tập đoàn DB Schenker của Đức đã đưa trung tâm kho vận có vốn đầu tư 5,5 triệu USD tại TP. Dĩ An vào hoạt động.
Trung tâm kho vận YCH - Protrade (YCH-Protrade DistriPark) tại TP. Thuận An do Tập đoàn YCH (Singapore) và Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) hợp tác đầu tư vào cuối năm 2010 với quy mô được xây dựng trên diện tích 6,9ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD…
Khắc phục những khó khăn, tồn tại về hạ tầng như không có sân bay, cảng biển, trọng tải tàu container bị giới hạn, đến nay tại Bình Dương đã có những dịch vụ logistics trọn gói như: phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, kho ngoại quan,…
Ngoài ra, Bình Dương còn có khoảng 62 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: vận tải và cho thuê container; xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển,…
Bên cạnh đó cũng có các kho nhỏ lẻ nằm ngoài các khu công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư để cho thuê lại với mặt hàng chủ yếu là vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu với diện tích nhỏ (từ 2.000 - 3.000 m2). Đồng thời cũng cung cấp các dịch vụ khác như: vận tải, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận hàng hóa nằm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 21 kho ngoại quan, 4 kho CFS và 34 đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng sông, cảng ICD hiện hữu.
Quy hoạch hạ tầng giao thông ưu việt hơn
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, Bình Dương cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, chú trọng quy hoạch lại hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ logistics để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành logistics.
Đồng thời, Bình Dương cũng cần xây dựng, quy hoạch cụ thể cho trung tâm logistics theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành dịch vụ logistics.
Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ dưới nhiều hình thức, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp thông tin kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, cải tiến thủ tục hải quan điện tử.
Theo nhận định của ThS. Nguyễn Thế Vinh (Đại học Thủ Dầu Một - Bình Dương) thì quá trình phát triển dịch vụ logistics ở tỉnh Bình Dương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Chẳng hạn như, các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Dịch vụ thương mại chưa phát triển đầy đủ, rộng khắp, chỉ mới tập trung ở một số thành phố phía Nam, thương mại điện tử chưa cao,…
Nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp được dịch vụ 1PL (logistics tự cấp), 2PL (logistics bên thứ 2), số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ 3PL (logistics bên thứ 3) còn hạn chế. Các nhà cung cấp dịch vụ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin…
Doanh nghiệp logistics phân bố không đồng đều tập trung ở một số khu vực nhất định, chủ yếu tập trung tại địa bàn TP. Dĩ An, TP. Thuận An.
Việc phát triển dịch vụ logistics hiện nay trên địa bàn Bình Dương chỉ tập trung chính vào hệ thống đường bộ, chiếm trên 90% khối lượng vận chuyển hàng hóa.
Kết nối giữa các phương thức vận tải còn thiếu và yếu, dẫn đến hệ thống giao thông đường bộ ngày càng kẹt xe vì quá tải.
Ngoài chi phí vận tải gia tăng thì chi phí lưu kho vẫn còn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường sông, đường bộ và đường sắt.
Bên cạnh đó cũng thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để làm đầu mối phân phối hàng hóa.
Thiết bị lưu kho, xếp dỡ lạc hậu, không đồng bộ làm chậm quá trình bốc dỡ, gây hỏng hóc hàng hóa. Đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo theo đúng chuyên ngành Logistics…
Bình Dương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa trong liên kết vùng, tận dụng nguồn lực của vùng để phát triển, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cần rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của Vùng, làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không đầu tư dàn trải kém hiệu quả về: cảng biển, đường giao thông, sân bay của Vùng.
Xây dựng cơ chế phối hợp Vùng trong việc đầu tư sân bay, cảng biển và giao thông kết nối nhằm tránh phân tán nguồn lực và thiếu gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong Vùng.