Công ty CP Đầu tư Liên hiệp Vận tải Hà Nam Ninh chuẩn bị đầy đủ phục vụ nhu cầu
đi lại tuyến Nam Định - Hà Nội của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2022, hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định đã từng bước phục hồi và đóng góp quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự báo dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân năm 2023 nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao đột biến.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tổ chức tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công nhân, lao động, thành viên hợp tác xã; đặc biệt là giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT, vận tải hành khách.
Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển người và hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa ký gửi; không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác khi lái xe. Xây dựng kế hoạch vận tải bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, huy động tối đa lực lượng phương tiện phục vụ khách Tết, có kế hoạch tăng cường phương tiện dự phòng vào những ngày khách đông để giải tỏa, hạn chế tối thiểu ùn tắc giao thông.
Chủ động kiểm tra, chăm sóc bảo dưỡng, sửa chữa tân trang phương tiện để đảm bảo chất lượng và an toàn kỹ thuật khi lưu hành. Tổ chức đăng kiểm kỹ thuật đối với các phương tiện sắp đến hạn kiểm định, không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.
Thực hiện phương án tổ chức vận tải, chạy xe đúng lịch xe xuất bến và hành trình đã được chấp thuận; ngoài các tuyến xe đã chạy ổn định cần đưa xe dự phòng vào những giờ, những ngày đông khách; cho phép xe chạy quay vòng tăng chuyến hợp lý, bố trí 1 nốt có từ 2 xe trở lên cùng xuất bến khi cần thiết.
Riêng các tuyến vận tải liên tỉnh đường dài phải bố trí đủ xe và lái xe dự phòng, đảm bảo thời gian làm việc liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe theo quy định. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, toàn tỉnh duy trì 424 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô với tổng cộng 2.540 chiếc để phục vụ vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Trong đó, có 221 đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô với tổng số 1.832 chiếc và 38.443 chỗ ngồi; 226 đơn vị hoạt động vận tải hàng hoá với tổng số 716 ô tô, tổng tải trọng là 6.751,5 tấn.
Toàn tỉnh có 11 bến xe khách được nghiệm thu và công bố đưa vào khai thác theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách (1 bến đạt loại 2, 3 bến đạt loại 3, 6 bến đạt loại 4 và 1 bến loại 5). Các bến xe đã sử dụng phần mềm để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và truyền tải dữ liệu đầy đủ, liên tục về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT).
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bố trí cán bộ trực để cấp lệnh vận chuyển cho phương tiện theo quy định. Đối với các xe chạy trên tuyến phải thực hiện đầy đủ các quy định về niêm yết: điểm đầu, điểm cuối của tuyến; tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải; biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.
Các đơn vị vận tải đang khai thác tuyến Nam Định - Hà Nội có kế hoạch phối hợp với Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội (đặc biệt là các bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa...); các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách từ Nam Định đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác có kế hoạch phối hợp với bến xe Ngã tư Ga, bến xe An Sương, các đơn vị kinh doanh vận tải và các bến xe tại địa phương nơi đến để vận chuyển khách trước, trong và sau Tết. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị phương tiện xe đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, bố trí đủ xe và lái xe dự phòng, tăng số chuyến vào những giờ cao điểm và những ngày khách đông; bố trí phương tiện và người lái giải tỏa khách khi có yêu cầu. Các đơn vị kinh doanh xe taxi huy động tối đa phương tiện đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và phải được cấp phù hiệu theo quy định.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị chức năng bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn. Yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường quản lý theo đúng hợp đồng đã ký kết, ưu tiên quét dọn vệ sinh mặt đường, mặt cầu, mặt phao phà, cắt cỏ, bạt lề, khơi thông rãnh thoát nước, dặm vá, sơn kẻ vạch tim đường, lau chùi biển báo, cọc tiêu...
Thực hiện quản lý, vận hành khai thác các bến phà, cầu phao theo đúng quy trình vận hành khai thác được Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT phê duyệt. Xây dựng kế hoạch và tổ chức trực đảm bảo giao thông trong Tết. Trang bị đầy đủ công cụ, dụng cụ đảm bảo an toàn vượt sông: áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu hộ và phải được để ở nơi dễ nhìn, dễ lấy; yêu cầu hành khách mặc áo phao khi qua phà. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định đóng mở cầu phao Ninh Cường và vận hành phà Đống Cao trên Quốc lộ 37B, phà Đại Nội trên Quốc lộ 21B, phà Sa Cao trên tỉnh lộ 489.
Chỉ đạo các đơn vị thi công trên tuyến đường đang khai thác xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông, đoạn tuyến dừng thi công phải hoàn thiện hạng mục, yêu cầu thu dọn toàn bộ máy móc, thiết bị, vật liệu và các chướng ngại vật, đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi kết thúc ca làm việc, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn, không xảy ra ùn tắc giao thông. Đối với tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, trước khi nghỉ Tết phải thu dọn vật liệu, thiết bị máy móc, thành lập bộ phận trực đảm bảo ATGT, có đèn và biển báo hiệu đầy đủ trong những ngày nghỉ Tết.
Trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), Công an các huyện, thành phố Nam Định và các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT.
Tăng cường công tác kiểm tra phương tiện vận chuyển hành khách bảo đảm an toàn kỹ thuật; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải thực nghiêm quy định về thời gian làm việc trong ngày. Kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay tại khu vực bến xe, các điểm dừng đỗ xe; kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện vận chuyển hành khách vi phạm các quy định về phòng chống cháy, nổ, không đảm bảo các quy định về đảm bảo trật tự ATGT.
Phối hợp với Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, tập trung xử lý đối với xe ô tô chở khách, xe chở container... Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải, có kế hoạch kiểm tra tải trọng phương tiện trên các tuyến trọng điểm. Kiểm tra rà soát việc đảm bảo ATGT tại các bến khách, bến phà, cầu phao, các phương tiện chở khách ngang sông; phối hợp chỉ dẫn phân luồng đảm bảo giao thông khi có sự cố gây ùn tắc giao thông và trong các dịp lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh.