Kiểm tra và bàn giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước, hư hỏng đường
trên tuyến Giá Rai - Gành Hào (huyện Đông Hải)
Nỗ lực chỉnh trang kết cấu hạ tầng
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều quan tâm, triển khai thực hiện tốt nhiều mặt của công tác đảm bảo TTATGT dịp Tết và mùa lễ hội Xuân 2023. Thực hiện việc kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn; chống ùn tắc giao thông và đua xe trái phép. Công tác quản lý ATGT đường thủy tại các bến tàu khách, bến đò ngang dọc, bến thủy nội địa; có kế hoạch đảm bảo giao thông tại các bến xe, bến tàu, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường bộ, đường sông. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác chỉnh trang kết cấu hạ tầng để phục vụ Nhân dân vui Xuân đón Tết.
Tại Đông Hải, Ban ATGT huyện đã khảo sát, kiểm tra các tuyến đường bộ, đường thủy trên địa bàn để kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ mất an toàn, tiến hành khắc phục hoặc kiến nghị ngành chức năng sớm khắc phục. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp với các ngành chức năng duy tu, sửa chữa các tuyến đường do huyện quản lý với kinh phí trên 2 tỷ đồng. UBND xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch duy tu sửa chữa từng tuyến đường cụ thể, tuyên truyền vận động người dân cùng chung tay thực hiện. Huyện Đông Hải cũng kiểm tra các tuyến sông chính, tuyên truyền, vận động người dân không đặt nò, đó, lú, đáy neo nổi… gây cản trở giao thông.
Đối với TP. Bạc Liêu, thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã ra quân lập lại trật tự đô thị, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, tổ chức cho người kinh doanh, mua bán viết cam kết không vi phạm TTATGT, trật tự đô thị. Khảo sát, tăng cường khắc phục các “điểm đen” thường xảy ra tai nạn; thường xuyên kiểm tra, xử lý hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn. Triển khai duy tu, sửa chữa hàng chục tuyến đường, mố cầu, vòng xoay, hoàn thành duy tu sửa chữa 2 cây cầu treo trên địa bàn và cải tạo lan can cầu ông Bổn. Yêu cầu các công ty: Hoàng Phát, ô tô Bảo Toàn duy tu đường vào khu du lịch, sửa chữa xây dựng cống thoát nước để chống ngập úng, hư hỏng đường.
Còn trên địa bàn Vĩnh Lợi, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông đường bộ, cho dặm vá các tuyến đường xuống cấp. Rà soát, bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn lại vạch kẽ đường, dải phân cách, sơn gờ giảm tốc tại các giao lộ nguy hiểm. Yêu cầu các nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT và đề nghị tạm ngừng thi công hoàn trả mặt đường trước Tết. Các giải pháp tương tự như trên cũng đã và đang được thực hiện tại các huyện, thị xã còn lại trong tỉnh.
Tập trung khắc phục các điểm mất an toàn
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, bên cạnh việc triển khai đồng bộ một số giải pháp đảm bảo TTATGT, các địa phương cần tập trung khắc phục có hiệu quả các điểm mất an toàn trên đường bộ, đường thủy, các đoạn đường hư hỏng, bong tróc, vuốt nối êm thuận các mố cầu; thay mới, tăng cường hệ thống biển báo, sơn kẽ vạch… để người tham gia giao thông đi lại thuận tiện. Đoàn cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp linh hoạt, hiệu quả trong chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT, hoạt động mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, lấn chiếm ở chân cầu, dạ cầu. Tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT, trong đó tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như: lái xe sử dụng rượu bia, ma túy, vi phạm tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định. Kiểm tra xử lý, ngăn chặn tình trạng xe khách không vào bến, cấp phép tuyến này nhưng chạy tuyến khác.
Đối với công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu việc đảm bảo ATGT cho hành khách phải được đặt lên hàng đầu, tăng cường nhắc nhở hành khách mặc áo phao; đường dẫn lên đò, phà phải được gia cố chắc chắn, không trơn trượt…
Trong đợt kiểm tra lần này, Đoàn cũng lưu ý vấn đề đảm bảo ATGT đường thủy nội địa tại các bến đò đưa rước khách du lịch vào chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) tại các cống Cả Vĩnh, Nước Mặn. Riêng huyện Hồng Dân, nhiều năm qua địa phương vẫn loay hoay và chưa có giải pháp triệt để với các bến đò ngang không phép. Theo thống kê mới nhất, huyện có tổng số 58 bến đò ngang, bao gồm 27 bến có phép, 31 bến không phép; 23 bến xếp dỡ hàng hóa, trong đó có phép 10 bến, không phép 13 bến.