Cầu dàn thép tạm bắc qua cống Yên Xá dành cho xe máy và xe thô sơ lưu thông
trên trục đường 70 góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực.
Ảnh: Bảo Khánh
Giảm xung đột giao thông tại các nút giao phức tạp
Trước tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 12/2022 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 hơn 1 tháng), Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thành lập 4 nhóm công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố. Các nhóm chia nhau bám sát hiện trường trên cả 30 quận, huyện, thị xã, cập nhật các phản ánh về bất cập trong tổ chức giao thông, phân tích, đánh giá, lên phương án xử lý… Trực tiếp Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đi khảo sát thực tế trên từng “điểm nóng” ùn tắc giao thông để chỉ đạo khắc phục. Từ những chuyến thực địa của lãnh đạo Sở cũng như các thành viên của 4 nhóm công tác, hàng loạt phương án điều chỉnh tổ chức giao thông đã khẩn trương được thực thi và từng bước phát huy hiệu quả.
Điển hình phải kể tới hai cầu dàn thép tạm bắc qua cống Yên Xá (huyện Thanh Trì) dành cho xe máy và xe thô sơ được triển khai từ ngày 26/12/2022 nhằm mục đích tăng không gian lưu thông, giảm ùn tắc tại khu vực nút giao đường Cầu Bươu với đường Phúc La và tuyến đường xung quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Theo Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải, khu vực này từ lâu là điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thông thường các phương tiện phải mất 5-7 nhịp đèn mới có thể đi qua nút giao này. Hai cầu thép giúp tăng diện tích lưu thông, giảm xung đột hai dòng phương tiện giữa Phúc La và Cầu Bươu. Bước đầu hai chiếc cầu tạm hoạt động khá ổn định, được người tham gia giao thông đánh giá cao.
Tương tự, hàng loạt nút giao thông vốn là “điểm nóng” ùn tắc cũng được tổ chức lại, như: Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám; Lương Thế Vinh - Tố Hữu; Nguyễn Khoái - Lãng Yên; khu vực cống Trung Văn… Tại nhiều vị trí, các phương tiện thay vì được đi thẳng ngay tại nút giao thì phải di chuyển thêm một đoạn rồi quay đầu để tránh xung đột giao thông. Đây cũng là những khu vực ùn tắc nghiêm trọng được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tập trung khắc phục trong dịp giáp Tết Nguyên đán này.
“Chỉ với những thay đổi nhỏ nhưng đã đạt hiệu quả rất thiết thực. Người dân phải di chuyển xa hơn một chút nhưng giao thông đã thoáng hơn”, anh Lê Đức Tuấn (phố Lãng Yên, quận Hai Bà Trưng) đánh giá.
Đồng bộ giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong năm 2022, thành phố đã xử lý được 8/35 điểm ùn tắc giao thông. Số điểm còn tồn tại là 27 điểm, tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ đường Vành đai 3 trở vào, đều tại các vị trí, tuyến đường có mật độ giao thông cao, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, kết hợp với việc rào chắn phục vụ thi công gây ra ùn tắc.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, để kéo giảm ùn tắc, trước mắt, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương triển khai một số giải pháp cấp bách. Cụ thể, rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè…; xén mở rộng mặt đường tăng khả năng lưu thông và xén mở rộng các nút giao, tạo nhánh rẽ phải liên tục, giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút; rà soát bất cập trong tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức lại giao thông hợp lý nhằm hạn chế xung đột…
Đề cập về nỗ lực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết, Thanh tra Sở sẽ bố trí 74 chốt trực, phối hợp với các lực lượng phân luồng tại nút giao thông thường xảy ra ùn tắc, các khu vực thi công dự án, công trình giao thông trọng điểm, các bến xe khách liên tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc, Sở Giao thông vận tải sẽ cùng các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện đồng bộ 6 giải pháp cơ bản, lâu dài đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo, gồm: Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, các tuyến trục chính có tính kết nối và các cầu qua sông Hồng; phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng giao thông thông minh; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.