Bình Dương: Nhìn lại 10 năm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thứ năm, 09/03/2023 09:35 GMT+7

Với mục tiêu đạt tỷ lệ 20% nhu cầu đi lại của người dân thông qua vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, qua 10 năm triển khai thực hiện các đề án phát triển mạng lưới, nhiều tuyến buýt đã hình thành.

Đặc biệt, nhất là việc khai thác các tuyến buýt chất lượng cao, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn Nhật Bản đã tạo nên sức lan tỏa để người dân ngày càng quen dần với loại hình di chuyển bằng phương tiện này, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

 

Xe buýt chất lượng cao Becamex Tokyu đáp ứng tốt nhu cầu hành khách

 Đáp ứng nhu cầu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 29 tuyến xe buýt, trong đó có 18 tuyến nội tỉnh, 11 tuyến liên tỉnh, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, tổng chiều dài mạng lưới đạt 856,6km. Toàn tỉnh có 12 đơn vị kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt với 143 phương tiện, trong đó có 65/143 phương tiện sử dụng khí gas CNG, bao gồm Công ty TNHH Becamex Tokyu 28 phương tiện, Công ty Cổ phần Phương Trinh 12 phương tiện, Chi nhánh Công ty TNHH Phúc Gia Khang 25 phương tiện.

Từ năm 2013, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh chuyển sang hoạt động theo hình thức tự cân đối, không được trợ giá từ ngân sách tỉnh, với việc giá cả thị trường thường xuyên biến động có chiều hướng tăng chính vì vậy để bảo đảm thu, chi, các đơn vị kinh doanh VTHKCC thường xuyên thực hiện điều chỉnh tăng giá vé. Giá vé xe buýt được các đơn vị xây dựng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, lương, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, chi phí quản lý, lợi nhuận, sản lượng vận chuyển… Sự gia tăng phương tiện xe 2 bánh trên địa bàn tỉnh cũng đã làm lượng hành khách trên các tuyến xe buýt ngày càng giảm dần.

Đề án “Giao thông công cộng thành phố mới (TPM) Bình Dương bằng phương tiện giao thông mới” được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định 2462) với mục tiêu sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới, thân thiện môi trường nhằm tạo giá trị mới cho TPM Bình Dương. Công ty TNHH Xe buýt Becamex Tokyu được giao thực hiện các tuyến xe buýt trong đề án. Qua 7 năm thực hiện (2014- 2022), số tuyến xe buýt triển khai vượt trội so với mục tiêu của đề án. Từ 3 tuyến xe buýt theo kế hoạch ban đầu (tuyến Shuttle, tuyến Feeder, tuyến BRT kết nối TPM Bình Dương và Suối Tiên).

Hiện nay, ngoài tuyến xe buýt nhanh BRT vẫn chưa thực hiện được do nguyên nhân khách quan từ việc tuyến Metro 1 của TP.Hồ Chí Minh chưa hoàn thành, Công ty Xe buýt Becamex Tokyu đã triển khai 2 tuyến xe buýt Shuttle và Feeder thành 11 tuyến xe buýt, vượt gần 6 lần so với số tuyến của đề án. Trong đó, 6 tuyến kết nối từ TP.Thủ Dầu Một đi TPM Bình Dương, 4 tuyến xe buýt nội ô TPM Bình Dương và 1 tuyến xe buýt kết nối từ TPM Bình Dương đi TX.Bến Cát để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, Công ty Xe buýt Becamex Tokyu còn tổ chức thực hiện 2 tuyến mở mới không có trong đề án là tuyến đưa rước miễn phí từ Công viên Thủ Dầu Một đi siêu thị AEON Mall vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ và tuyến kết nối TP.Thủ Dầu Một - TX.Bến Cát. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt kết nối TPM Bình Dương với TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên với tần suất dự kiến mỗi tuyến là 17 chuyến/ngày và 1 tuyến xe buýt kết nối TPM Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh.

Phương tiện thân thiện môi trường

Với 28/37 phương tiện phục vụ cho đề án được đơn vị vận tải đầu tư mới, đều sử dụng khí CNG và 9/37 phương tiện còn lại sử dụng nhiên liệu Diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 là phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết việc phương tiện sử dụng khí CNG để vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt từ năm 2014 đã có sức lan tỏa và góp phần thúc đẩy sự đổi mới đối với các đơn vị vận tải. Cụ thể, Công ty TNHH Xe buýt Becamex Tokyu đã cung cấp cho người dân dịch vụ chất lượng cao, sử dụng vé điện tử, trang bị wifi, phần mềm cung cấp thông tin để hành khách tiếp cận thông tin chính xác, giảm thời gian chờ đợi của hành khách, công tác phục vụ theo phong cách Nhật Bản… góp phần thay đổi nhận thức của người dân về hình ảnh xe buýt, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Hình ảnh xe buýt Becamex Tokyu chạy trên các tuyến đường của TPM Bình Dương là một trong những tiêu chí góp phần giúp Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) 5 năm liền bình chọn là một trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu và 3 năm liền vào Top 7. Từ đó, góp phần tạo ra một hình ảnh TPM Bình Dương hiện đại, văn minh, người Bình Dương được tận hưởng nhiều tiện ích, dịch vụ tốt hơn khi tham gia giao thông.

Số lượng hành khách sử dụng xe buýt tăng theo hàng năm cho thấy được hiệu quả của đề án. Tuy nhiên, từ năm 2019 do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến dịch vụ VTHKCC, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe buýt của hành khách giảm rõ rệt. Ngành giao thông - vận tải và các doanh nghiệp tham gia đề án đang triển khai nhiều giải pháp để kéo hành khách trở lại với loại hình vận tải văn minh, hiện đại này. 

Từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Xe buýt Becamex Tokyu đã cấp 21.079 lượt thẻ Free Pass cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Hàng năm, các thẻ Free Pass đã cấp sẽ được gia hạn theo mục đích khi triển khai đề án, từng bước chuyển dần từ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện VTHKCC bằng xe buýt. Bình quân hàng năm cấp 3.019 thẻ Free Pass, tuy nhiên số người sử dụng thẻ chỉ đạt 849/3.019 thẻ, chiếm tỷ lệ 28,13%, điều này cho thấy dù không tốn phí nhưng tỷ lệ sử dụng thẻ để di chuyển vẫn chưa cao. Từ tháng 9/2014 đến nay tổng sản lượng vận chuyển là hơn 2,2 triệu lượt hành khách, trong đó khách sử dụng thẻ Free Pass là 772.635 lượt, chiếm 35% số khách tham gia vận chuyển của đề án.

Nguồn: Báo Bình Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)