Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2023. Triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động chuyên đề theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương đến tận xã, phường, thị trấn, thôn, làng, xóm... đồng bộ các giải pháp, không phô trương hình thức và triệt để tiết kiệm. Phổ biến rộng rãi đến mọi công dân trên địa bàn để biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; không để xảy ra tình trạng can thiệp vào công tác xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông; đưa tiêu chí chấp hành pháp luật về an toàn giao thông vào xét phân loại thi đua, phân loại cán bộ, công chức hàng năm. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần gắn chặt công tác bảo đảm trật tự ATGT với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT; các văn bản của Trung ương, tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến, luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay cảng hàng không. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải. Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT...
UBND tỉnh giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề:“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; đổi mới phương thức, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trọng tâm là tuyên truyền về các giải pháp thực hiện chủ đề Năm ATGT 2023. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đề xuất khắc phục kịp thời các điểm mất ATGT; khảo sát đề xuất lắp đặt hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, lắp đặt camera giám sát giao thông tại các nút giao phức tạp trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý trật tự ATGT.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”; phong trào xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2023 gắn với chủ đề:“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”và các chuyên đề khác theo hướng dẫn của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023.