Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra thực tế
tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn sáng 3/4 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Tông xe vào sườn núi để hạn chế thương vong
Sau khi khảo sát hiện trường, ông Phạm Đình Công cùng đoàn công tác đã đến thăm các nạn nhân của vụ TNGT làm 4 người chết, 5 người bị thương xảy ra vào sáng 3/4. Đến sáng 4/4, các nạn nhân tử vong đều đã được người nhà đưa về địa phương lo hậu sự. Các bệnh nhân bị thương nhẹ cũng được gia đình đưa về địa phương điều trị; còn 2 trường hợp bị thương khác vẫn đang được tích cực theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trao đổi với đoàn công tác, anh Nguyễn Long Giang, 33 tuổi, phụ lái trên chuyến xe gặp nạn, bàng hoàng kể lại: Sau một đêm chạy xe, tôi khá mệt nên ra ghế sau nằm ngủ, còn anh Ngọc Anh thì lái xe. Đang ngủ, tôi nghe anh Ngọc Anh la thất thanh là xe mất phanh. Giật mình vùng dậy, tôi cố gắng phụ tài xế kéo phanh tay lại nhưng không có tác dụng. Anh Ngọc Anh cũng cố gắng ghì giữ tay lái, chạy qua 2-3 khúc cua và tìm đường lánh nạn nhưng không có. Sau một đoạn xuống dốc liên tục, tốc độ xe chạy ngày càng nhanh nên đã mất lái hoàn toàn. Đoạn đường này một bên là núi, bên kia là vực sâu nên tài xế quyết định chủ động ủi xe về phía sườn núi để hạn chế thương vong. Sau cú va chạm mạnh, tôi không còn biết gì cho đến khi tỉnh dậy trong bệnh viện.
Anh Giang cho biết thêm, chiếc xe sản xuất năm 2018 nên chạy còn rất ổn định; nhưng trong quá trình chạy có hư hỏng gì không thì không biết. Nếu đoạn đường này có đường lánh nạn thì có lẽ thảm kịch này đã không xảy ra.
Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân vụ tai nạn, đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết: Xe tải 73H-009.42 có biển kiểm soát Quảng Bình, tài xế cũng không phải là người dân địa phương, lạ đường nên mới không xử lý tốt khi qua đoạn đường này. Một nhân chứng của vụ tai nạn cũng cho biết đã phát hiện chiếc xe có dấu hiệu mất phanh; tài xế và những người ngồi trong xe biểu hiện rất hoảng loạn trước khi tai nạn xảy ra. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra xem chiếc xe tải có chở hàng hóa quá tải không, đồng thời phân tích, tìm hiểu kỹ nguyên nhân của vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.
Phụ xe Nguyễn Long Giang, 33 tuổi, kể về thời điểm xảy ra tai nạn kinh hoàng
Kiến nghị cảnh báo, xử lý điểm đen
Thượng tá Nguyễn Tâm Niệm, Phó Trưởng Công an huyện Tuy An, cho biết: Từ ngày 15/12/2022-3/4/2023, trên tuyến ĐT643, đoạn từ Km3+700, qua thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 6 người tử vong, 5 người bị thương. Đây chính là căn cứ để xác định điểm đen tai nạn giao thông cho đoạn đường này. Theo đó, Công an huyện Tuy An vừa gửi văn bản cho Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT thực hiện một số biện pháp xử lý điểm đen, như: sơn sửa lại và bổ sung gờ giảm tốc, lắp đặt thêm hệ thống biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm và cắm biển báo giới hạn tốc độ trên tuyến ĐT643, đoạn từ Km+00 thuộc thôn Phú Long đến Km18 thuộc thôn Kim Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Tuyến ĐT643 được đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến nay, tạo nhiều thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, tuyến đường này có một đoạn dài khoảng 4-5km có nhiều khúc cua quanh co, xuống dốc liên tục, thường xảy ra tai nạn, do đó đã được bố trí đầy đủ các biển cảnh báo, gờ giảm tốc… Tuy nhiên, đoạn đường này không đủ chiều dài theo quy định để bố trí đường lánh nạn. Sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm tường hộ lan, hệ thống biển hướng dẫn, cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.
Sau buổi làm việc, ông Phạm Đình Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Qua khảo sát, đoạn ĐT643 không quá phức tạp, nguy hiểm so với nhiều tuyến đường núi ở các địa phương khác, nhưng vẫn có tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Sở GTVT Phú Yên cần rà soát tổng thể các tuyến đường tương tự trên địa bàn, đặc biệt là tại các vị trí phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông để đề xuất, kiến nghị các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa. Đơn vị cũng cần tính toán, bổ sung các vị trí đường lánh nạn để các phương tiện có thể xử lý khi có sự cố. Lực lượng Công an tỉnh cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc chở hàng quá khổ quá tải; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc chở người trên cabin xe tải nhằm đảm bảo các điều kiện về ATGT.
Về quy định xác định và xử lý điểm đen mất ATGT, các địa phương cần chủ động rà soát, lập danh sách, hồ sơ các vị trí mất ATGT gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xem xét, đề xuất giải quyết. Với những vị trí có dấu hiệu mất an toàn, đã xảy ra nhiều vụ va chạm, TNGT thì cần phải ưu tiên xử lý; không để xảy ra tai nạn, chết nhiều người rồi mới cảnh báo, khắc phục.