Những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, có tính kết nối cao, sức lan tỏa, tạo đột phá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về hạ tầng hàng không, tỉnh đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Cảng Hàng không Sa Pa trên cơ sở chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021 và báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 5/2022.
Việc xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế, tạo liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và phía Tây Nam của Trung Quốc.
Về hạ tầng đường bộ, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam hoàn thiện thủ tục để khởi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai quy mô 4 làn xe trong năm 2023 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa 121,6 km quốc lộ (trong đó đã hoàn thành 20,15 km; đang thi công 55,5 km và chuẩn bị đầu tư 42,4 km); gần 400 km tỉnh lộ (đã hoàn thành 39,4 km; đang thi công 122 km và chuẩn bị đầu tư 237,5 km) theo quy mô cấp V đến cấp III miền núi, mặt đường bê tông nhựa với chiều rộng tối thiểu 5,5 m; khoảng 25 km đường huyện, 665 km đường giao thông nông thôn.
Như vậy, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh chỉ còn 35 km chưa được đầu tư mặt đường bê tông nhựa; đối với hệ thống đường tỉnh 500 km cơ bản đã đảm bảo giao thông êm thuận, còn một số đoạn tuyến xuống cấp sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ODA.
Ngành Giao thông vận tải - xây dựng đã đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Trong đó phải kể đến việc hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng nút giao Phố Lu; khởi công công trình cầu Phú Thịnh; Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát; các dự án LRAMP; cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến Quốc lộ 70.
Sở đã tham mưu thúc đẩy tiến độ đàm phán dự án cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược, khởi công nút giao IC18 và đẩy nhanh tiến độ các công trình: Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, cải tạo nâng cấp đường Y Tý - Ngải Thầu.
Đề xuất UBND tỉnh xây dựng các tuyến đường mới kết nối từ Cảng Hàng không Sa Pa đến thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và khu kinh tế cửa khẩu, kết nối đường tránh Sa Pa với trung tâm thị xã Sa Pa, hầm đường bộ Hoàng Liên, Tỉnh lộ 156 mới chạy dọc sông Hồng từ Bản Vược kết nối vào Khu Công nghiệp Cốc Mỳ…
Về hạ tầng đường sắt, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 km đường sắt, trong đó 65 km thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai kết nối với hệ thống đường sắt của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Căn cứ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Đường sắt Việt Nam đang lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ 1,435 m Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự kiến trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét trong tháng 11/2023; đồng thời làm đầu mối làm việc với phía Trung Quốc để trao đổi, tiến hành các thủ tục đàm phán, thống nhất phương án kết nối đường sắt giữa Ga Lào Cai (Việt Nam) với Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần bảo đảm kết nối giữa các vùng kinh tế, phát huy thế mạnh của các địa phương.
Tuy nhiên, kết nối giao thông của tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn do nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 2 nội dung đột phá theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03 ngày 11/12/2020 về triển khai Đề án phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. |
Các mục tiêu cơ bản về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tới của tỉnh là xây dựng hoàn chỉnh cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy hoạch được phê duyệt. Điều chỉnh kéo dài Quốc lộ 4E để tăng cường khả năng kết nối với tỉnh Hà Giang, kết nối với cửa khẩu Bản Vược, lối mở Lũng Pô (Bát Xát). Triển khai xây dựng kết nối đường sắt giữa Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc.
Hoàn thiện lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc)... Lập quy hoạch tuyến đường thủy nội địa trên sông Hồng đoạn từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai); nghiên cứu xây dựng các bến cảng hàng hóa và phục vụ du lịch.
Cải tạo, sửa chữa khoảng 230 km quốc lộ; cải tạo, sửa chữa khoảng 420 km tỉnh lộ; nâng cấp khoảng 480 km đường đến trung tâm các xã, 300 km đường đến trung tâm các thôn có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa…
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai chủ động đề xuất với Trung ương các giải pháp, ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo phương thức PPP, “với vai trò là vốn mồi” đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án vùng khó khăn. Bên cạnh đó, thúc đẩy phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông để chủ động cân đối nguồn lực, tham gia đầu tư.
Khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền; thực hiện cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ, đầu mối vận tải…