Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng CTĐT. Theo Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, kiểm định chất lượng CTĐT là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, thể trách nhiệm giải trình với các bên liên quan. Hiệu trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát tiến độ tự đánh giá để triển khai một cách thực chất nhất, các phòng chức năng hỗ trợ tối đa cho các khoa/viện và giảm áp lực cho các giảng viên trong công tác kiểm định chất lượng CTĐT; đặc biệt, giảng viên, các tổ bộ môn thuộc các khoa/viện cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn giáo trình và tiến hành nghiệm thu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Phương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đang thực hiện công tác tự đánh giá các chương trình đào tạo đã báo cáo tiến độ và nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện công việc. Theo đó, các CTĐT của 3 ngành: Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tham gia tự đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện xong chương trình đào tạo, báo cáo tự đánh giá và hiện đang hoàn thiện minh chứng; các CTĐT của 2 ngành Kỹ thuật Điện tử - viễn thông và Khoa học hàng hải theo tiêu chuẩn AUN-QA đã hoàn thiện chương trình đào tạo, đang hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và minh chứng.
TS. Phạm Tiến Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng chia sẻ kinh nghiệm tự đánh giá
Để tiết kiệm nguồn lực khi thực hiện công tác kiểm định chất lượng, Phòng TT&QLCL đề xuất bổ sung thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT các CTĐT của 3 ngành: (1) Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; (2) Kỹ thuật ô tô và (3) Kỹ thuật cơ khí.
Về chương trình đào tạo, để đáp ứng nhu cầu kiểm định chất lượng, các khoa/viện quản lý đào tạo cần có kế hoạch, cập nhật các CTĐT theo các quy định mới của nhà trường, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý đào tạo các CTĐT trình độ đại học, đa dạng phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, trang bị kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm cho sinh viên đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai.
Kết thúc cuộc họp, các đơn vị thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để phấn đấu trong năm 2023 sẽ thực hiện thành công kế hoạch đánh giá ngoài các CTĐT của 8 ngành nêu trên.
Tính đến tháng 4/2023, UTH đạt chứng nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục chu kỳ 2 và các CTĐT của 6 ngành đạt tiêu chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức AUN-QA. Nhà trường liên tục triển khai cải tiến và nâng cao chất lượng các CTĐT đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng theo kế hoạch.
Phấn đấu đến cuối năm 2023, UTH có thêm 8 ngành có CTĐT đạt tiêu chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo và tổ chức AUN-QA, nâng tổng số các ngành có CTĐT đạt chuẩn kiểm định lên 12 ngành.