Kết nối hạ tầng giao thông TP Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ ba, 18/04/2023 13:23 GMT+7

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đề xuất triển khai thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2030, thực hiện bằng hình thức vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ðoàn công tác ADB đã làm việc với Sở Giao thông vận tải thành phố và bước đầu thống nhất tài trợ vốn. 

Nút giao Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Ðạo thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, UBND thành phố đã giao Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc cụ thể với Ðoàn công tác ADB, rà soát lại các dự án phát triển hạ tầng giao thông, đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Tại buổi làm việc trực tiếp với Ðoàn công tác ADB vào tháng 11/2022, Sở báo cáo đề xuất đầu tư các Dự án giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu, Ðoàn công tác ADB đã thống nhất lựa chọn 3 dự án giao thông đề xuất đầu tư xây dựng theo hình thức vay vốn ODA để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của TP Cần Thơ theo thứ tự ưu tiên nhằm thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu cho vay vốn của ADB.

Ðồng thời đề xuất hợp nhất 3 công trình thành 1 dự án với tên gọi là “Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu” nhằm đảm bảo hiệu quả và sự thuận tiện trong công tác đề xuất và quản lý đầu tư xây dựng. Các dự án này theo thứ tự ưu tiên như sau: xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 91B); đường hẻm 91 (đoạn từ Ðường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ đến đường tỉnh 923).

Ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu, với việc đầu tư xây dựng 3 công trình là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ; đồng thời chia sẻ lưu lượng giao thông với các tuyến đường hiện hữu trung tâm thành phố, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tiếng ồn, khí thải của các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; mở rộng không gian đô thị tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới, hiện đại, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu dọc theo các dự án này.

Dự án cũng định hướng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2030: giai đoạn 2023-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và ký hiệp định vay vốn ODA với ADB; giai đoạn 2025-2030 thực hiện đầu tư dự án. Tới đây, Ngân hàng ADB sẽ có thư đồng ý về mặt chủ trương tài trợ thực hiện dự án, làm cơ sở để thành phố họp bàn triển khai thực hiện dự án, trình UBND thành phố quyết định.

Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương giao Sở làm đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án. Giao Sở liên hệ đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm triển khai lập hồ sơ đề xuất Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu thực hiện bằng hình thức vay vốn ODA của ADB để phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu UBND thành phố trình Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Danh mục các dự án vay vốn ODA trong giai đoạn 2025-2030.

Về quy mô đầu tư của các công trình cụ thể, công trình xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (gồm nút giao Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Ðạo, nút giao Mậu Thân - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ, nút giao Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2, nút giao Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4. Xây dựng cầu vượt quy mô vĩnh cửu với bề rộng đảm bảo quy mô 2 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp (bề rộng mặt cắt ngang cầu 15,5m) để điều tiết, phân luồng giao thông trong nút giao; tổng mức đầu tư 2.100 tỉ đồng (tương ứng 85,5 triệu USD), trong đó 79,8% vay từ Ngân hàng ADB và còn lại là vốn đối ứng.

Công trình đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 91B) có điểm đầu nối tiếp đường Trần Hoàng Na hiện hữu (tại nút giao giữa đường Trần Hoàng Na với đường Nguyễn Văn Cừ) đến điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91B; tổng chiều dài tuyến khoảng 7,6km. Công trình dự kiến được đầu tư xây dựng mới hoàn chỉnh theo quy hoạch đạt cấp đường chính đô thị với quy mô mặt cắt ngang đường lộ giới 40m, tổng mức đầu tư 1.750 tỉ đồng (tương ứng 71,3 triệu USD), trong đó 55,6% vay từ Ngân hàng ADB và còn lại là vốn đối ứng.

Công trình đường hẻm 91 (đoạn từ Ðường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ đến đường tỉnh 923) có điểm đầu giao giữa đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ với đường hẻm 91 (đoạn từ Quốc lộ 91 đến Ðường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ) nối dài đến điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 923; tổng chiều dài tuyến khoảng 5,15km. Công trình dự kiến đầu tư xây dựng 2 đơn nguyên phía ngoài cùng rộng 16m, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch với lộ giới 40m, để tạo quỹ đất dự trữ sau này khi nhu cầu phát triển đô thị và lưu lượng giao thông tăng cao sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng phần đường theo phạm vi đã giải phóng mặt bằng, đồng bộ theo quy mô đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng của đường hẻm 91 (đoạn từ Quốc lộ 91 đến Ðường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ). Tổng mức đầu tư của công trình này 1.050 tỉ đồng (tương ứng 42,8 triệu USD), trong đó 52,6% vay từ Ngân hàng ADB và còn lại là vốn đối ứng. Những dự án giao thông kết nối này ngoài góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho đô thị Cần Thơ, còn tăng khả năng chống chịu cho thành phố trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu được đề xuất khoảng 4.900 tỉ đồng (tương ứng 199,6 triệu USD); trong đó nguồn vốn ODA vay từ Ngân hàng ADB (thành phố vay 100%) là 65,28% (hơn 3.199 tỉ đồng, tương ứng 130,3 triệu USD) và còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố, các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm 34,72% (1.700 tỉ đồng).

Kế hoạch phân bổ vốn: năm 2023-2025 khoảng 98 tỉ đồng (tư vấn khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi...); năm 2025-2030 khoảng 4.802 tỉ đồng (thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp)./.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)