Chiến thắng 30/4 - Đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc

Thứ hai, 24/04/2023 16:00 GMT+7

Năm 2023, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Năm 2023 cũng được Đảng và Nhà nước xác định là năm bản lề thực hiện các chương trình về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.  Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới và nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm phủ Tổng thống Ngụy lúc 9 giờ 30 ngày 30/4/1975

Theo dòng lịch sử, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vào thời điểm này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đối đầu gay gắt bằng cuộc “Chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Ở trong nước, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ.

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, từ cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua hơn 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc.

Cuộc kháng chiến đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ. Đó là 5 giai đoạn: (1) Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ; (2) Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; (3) Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc; (4) Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu của ba nước: Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán; (5)Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Các cán bộ của quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975.

Chiến thắng 30/4 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta lại vận dụng một cách sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn.

Thứ nhất, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc theo mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng chính đáng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

5h30 sáng 30/4, Sư đoàn 10 và hai đại đội xe tăng

của Trung đoàn thiết giáp 273 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực chủ yếu, là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp đổi mới. Trên tinh thần đó, toàn dân đoàn kết, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Thứ tư, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy nội lực của đất nước với sự giúp đỡ, hợp tác với các nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Thứ năm, phát huy Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới, xung kích tiến công vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ loài người, mà trước hết là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng tầm văn hóa trong cuộc sống, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hóa, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng. Thế hệ thanh niên trước đây đã đảm đương xuất sắc vai trò xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, ngày nay là lực lược xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ sáu, phát huy tri thức, kinh nghiệm quân sự, công tác tư tưởng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vào bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta hiện nay. Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh sẽ góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm và tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện những mục tiêu cốt lõi và chiến lược của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân nhằm khơi dậy, khích lệ, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Người dân Sài Gòn đổ ra đường vui mừng vì nhận được tin chiến thắng.

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, xác định năm 2023 là năm bản lề phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hiện thực hóa những khát vọng cao cả mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, để phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa./.

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)