Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng
Cảng Hàng không Điện Biên, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2023.
Kết nối giao thông đến tỉnh Điện Biên hiện nay chủ yếu thông qua vận tải hàng không và đường bộ, trong đó đường bộ chủ yếu qua các tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 279. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ vẫn là nút thắt lớn, cản trở khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do nguồn vốn đầu tư ban đầu còn hạn chế nên nhiều tuyến đường chưa được đầu tư theo quy hoạch phê duyệt. Trong 6 tuyến quốc lộ, chủ yếu hiện trạng là đường cấp V, cấp VI miền núi nên khả năng lưu thông còn hạn chế. Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào tỉnh còn ít; các chương trình, dự án quy mô lớn, tầm cỡ còn hạn chế… chưa đáp ứng được kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Những năm qua, trên cơ sở những quy hoạch được duyệt, tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông: cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các công trình giao thông trên địa bàn. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch các công trình, các trục đường giao thông kết nối trung tâm kinh tế lớn, giữa tỉnh với các tỉnh lân cận và trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc đang được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những dự án được kỳ vọng tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút nguồn lực đầu tư cho tỉnh là Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã được khởi công tháng 1/2022. Hiện nay, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành. Khi đó, Cảng hàng không Điện Biên đáp ứng khai thác được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác các máy bay nhỏ như trước đó. Đồng thời nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Cùng với Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) được kỳ vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặc dù theo quy hoạch đầu tư giai đoạn sau năm 2030, tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết tạo động lực phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, năm 2022 UBND tỉnh Điện Biên đã có tờ trình đề xuất Chính phủ đầu tư sớm hơn dự kiến. Sau khi được Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15 + 800, quốc lộ 279 thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) với tổng chiều dài tuyến khoảng 44km, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục đầu tư (dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2026, hoàn thành năm 2027). Dự án hoàn thành sẽ góp phần mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Không chỉ tập trung triển khai các dự án trọng điểm, chiến lược, tỉnh Điện Biên còn chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối các huyện và các địa bàn nông thôn, miền núi. Điển hình là dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên. Dự án hiện nay đang được chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trước kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2024). Dự án đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa khu vực kinh tế của huyện Điện Biên với đô thị phía Đông của TP. Điện Biên Phủ, hình thành khu đô thị trọng điểm; tạo liên kết vùng, khai thác được tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, du lịch của khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12.
Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã góp phần quan trọng “mở đường” đón các nhà đầu tư. Chỉ tính riêng trong quý I/2023, nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào tỉnh tiếp tục gia tăng, tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước tăng khá, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Dự ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I đạt hơn 3.668 tỷ đồng (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 57,7% (tăng 34,13% so với cùng kỳ năm trước). Cũng trong quý I, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án về lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản và nông - lâm nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký trên 869 tỷ đồng. Lũy kế có 250 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 44 nghìn tỷ đồng (không bao gồm các dự án bị thu hồi). Một số tập đoàn lớn như: Danko, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup đã đến tìm hiểu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Điện Biên đã bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Những định hướng đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện, hiện đại, đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông liên vùng của tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững. Có thể khẳng định, việc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ là cơ sở để Điện Biên “hóa giải” những khó khăn về địa lý, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.