Ngành GTVT tỉnh thực hiện khắc phục điểm sụt lún
taluy dương tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải
Xác định mục tiêu "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trước mùa mưa lũ, Sở GTVT đã quán triệt tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ": "Lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ”; chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý các tuyến đường tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường tỉnh được giao quản lý nắm chắc các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông, kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; báo cáo kịp thời các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, kết cấu công trình cầu, cống, các vị trí cần gia cố để có biện pháp xử lý khắc phục.
Chỉ đạo các đơn vị thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tiến hành nạo vét rãnh dọc, rãnh ngang, thông thoát lòng cầu, cống, phát quang thượng, hạ lưu cầu, cống đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thoát nước; cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo những vị trí nguy hiểm và bổ sung cột thủy chí ở những vị trí thường bị ngập nước trên tuyến (nếu còn thiếu), trang bị biển báo để hướng dẫn giao thông khi có tình huống xảy ra; kiểm tra những hàng cây dọc trên các tuyến đường quản lý có nguy cơ đổ, gãy cần phải tỉa cành hoặc chặt hạ.
Các tuyến đường đang triển khai thi công, yêu cầu đơn vị thi công thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường thi công, các đường tránh phục vụ thi công cầu, cống kể cả đoạn đã thi công xong nhưng chưa bàn giao và tuyệt đối không được để lầy lún, đất sạt lở gây tắc đường ở những đoạn đang thi công, kể cả các đường tránh phục vụ thi công...
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, mùa mưa bão năm nay dự kiến các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng tại quốc lộ 37 gồm: một số vị trí đoạn tuyến Km 277+00 - Km 278+400, Km 321 - Km 322+650, Km 333+190 m dễ bị ngập úng vào mùa mưa bão; đoạn Km 348 - Km 356 (đèo Lũng Lô) có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa bão.
Trên tuyến quốc lộ 32, vị trí bị ngập úng cục bộ Km 205+00 - Km 206+00; một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa bão gồm đoạn từ Km 147 – Km 160, Km 219+800, Km 237 – Km 243 (đoạn dốc 3 tầng), Km 260 – Km 280 (đèo Khau Phạ). Đường tỉnh có đường Văn Chấn - Trạm Tấu (ĐT.174) và các điểm có nguy cơ sạt lở ta luy dương từ Km 12+00 - Km 20+00 và Km 23+00 - Km 31+00 cùng các vị trí có ruộng nước trên ta luy dương, vị trí dân lấy nước qua đường…
Xác định rõ nhiệm vụ, các đơn vị quản lý đường bộ đã bố trí nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị dự phòng tại các vị trí, khu vực có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp, hỗ trợ khi cần huy động. Có hợp đồng nguyên tắc đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu, vật liệu xây dựng đảm bảo khi cần thiết có thể huy động ngay và có hợp đồng cụ thể với các mỏ khai thác vật liệu để chủ động nguồn vật liệu, liên hệ với các đơn vị phá nổ để thực hiện công tác phá nổ khi cần thiết.
Các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên bố trí một số tổ, mỗi tổ khoảng 10 người luôn sẵn sàng khi được huy động. Lực lượng này do giám đốc công ty trực tiếp điều hành vật tư, máy móc, thiết bị chủ đạo bao gồm: xăng, dầu, đá hộc, cấp phối, dầm Bailey kép 54 m, dầm cầu DTDP-30, rọ thép 1.391 rọ, tiêu, rào chắn, biển báo, biển chỉ dẫn các loại, thiết bị dự phòng được bố trí tại 4 khu vực với 9 vị trí…
Ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: từ tháng 4/2023, Sở đã thành lập Ban Phòng, chống lụt bão của Sở; đôn đốc các đơn vị trong ngành và phối hợp với các huyện, thành phố phòng, chống thiên tai; tăng cường cảnh báo các điểm xung yếu trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập, những đoạn ta luy nguy cơ sạt trượt, nhất là đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao.
Đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý bị ảnh hưởng bởi sự cố thiên tai, bão lũ, Thanh tra Sở hướng dẫn phân luồng, đặt biển báo ở hai đầu đoạn tuyến thông báo, cảnh báo nguy hiểm và chỉ đạo đơn vị quản lý sửa chữa thường xuyên huy động lực lượng, xe, máy, thiết bị, vật tư thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông bước 1 (hót sụt taluy dương, dọn dẹp cây đổ) để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm thông xe trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp thời gian đảm bảo giao thông bước 1 kéo dài, sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Đối với các vị trí sạt lở taluy âm, dùng kè rọ thép đá hộc và đắp nền đường bằng vật liệu phù hợp hoặc thi công mở đường vào phía taluy dương (tùy theo địa hình nếu có thể được).
Đối với các hư hỏng nền, mặt đường (bị sụt, lún lõm cục bộ), đổ cấp phối hoặc loại vật liệu phù hợp để đảm bảo thông tuyến trong thời gian ngắn nhất; đồng thời, chỉ đạo đơn vị tư vấn lập hồ sơ hoàn công đảm bảo giao thông bước 1.
Các tuyến đường do các huyện, thị xã, thành phố quản lý bị thiệt hại lớn, mức độ phức tạp, Sở sẽ phối hợp cùng các cấp, các sở, địa phương kiểm tra và xây dựng phương án khắc phục, xử lý, đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất…