Chương trình thí điểm nằm trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ GTVT và 46 đối tác quốc tế: “Tích hợp các giải pháp di chuyển bằng điện tại các đô thị trong bối cảnh Thỏa thuận Paris, các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự đô thị mới”, viết tắt là SOLUTIONSplus đã được Ủy ban Châu Âu phê duyệt tài trợ nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các giải pháp về giao thông điện bền vững.
Lễ ra mắt chương trình thí điểm Mô hình xe điện hai bánh
kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội
Mục tiêu của chương trình thí điểm nhằm hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân Thành phố Hà Nội; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành giao thông công cộng và kết nối giao thông công cộng trên địa bàn thành phố; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông sạch và thông minh góp phần thực hiện thành công cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Phương án thí điểm cho phép người dùng sử dụng xe điện 2 bánh miễn phí trong thời gian 6 tháng thông qua phầm mềm quản lý V-Share được tải về từ App Store (đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS) và Google Play (Đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android) để kết nối hành khách đi xe buýt BRT, xe buýt thường gần khu vực trạm dừng BRT Văn Khê tới Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và ngược lại.
Đến nay, sau gần 6 tháng thực hiện thí điểm, kết nối hành khách tuyến buýt nhanh BRT, số người sử dụng xe điện ngày càng tăng, nên đơn vị thí điểm đang đề xuất mở rộng thêm điểm mượn/trả tại Ga Văn Quán, thuộc đường sắt Cát Linh – Hà Đông và kéo dài thời gian thí điểm.
Xe điện phục vụ chương trình thí điểm
Hơn 8h sáng, tại khu vực nhà chờ Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), hơn 10 chiếc xe máy điện dựng ngay ngắn sẵn sàng chờ khách.
Bạn Nguyễn Xuân Thủy, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho biết, do nhà ở gần nhà chờ Văn Khê, nên thường sử dụng xe điện, nhất là vào dịp cuối tuần “Tất nhiên là em muốn rồi, vì nó thân thiện với môi trường và cũng nhẹ nhàng”.
Tuy vậy, chị Bùi Ngọc Lan, ở Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết, chưa từng sử dụng xe điện miễn phí, dù nhà ở khá gần khu vực thí điểm: “Em chưa sử dụng, nhưng cũng đã biết đến vì đi qua cũng gặp nhiều. Tại vì nhà em ngay gần đây nên nếu có đi qua Aeon Mall và em sẽ dùng phương tiện cá nhân, còn nếu kết nối ở những nơi khác mà tiện lợi hơn thì chắc là sẽ sử dụng”.
Một số hành khách cũng cho biết, chưa quen với việc sử dụng xe điện 2 bánh, dù phương tiện này hoàn toàn miễn phí, bởi chưa thực sự tiện lợi:
“Bởi vì phương tiện của em đi sẽ không phù hợp mượn xe điện, bởi vì em đi chỉ một cuốc ngắn thôi nên em không cần sử dụng tới nó”.
“Em chưa đi bao giờ, tại vì từ nhà em đến đây thì em đi xe buýt nhanh hơn”.
Ông Bùi Đức Hưng, Công ty cổ phần Green Mobility Việt Nam - đơn vị được Trường Đại học Công nghệ GTVT ký hợp đồng thực hiện vận hành chương trình thí điểm cho biết, sau gần 6 tháng triển khai thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối từ nhà chờ BRT Văn Khê đến siêu thị AEON Mall Hà Đông (Hà Nội), đã có hơn 400 hành khách đăng ký sử dụng dịch vụ thường xuyên; gần 1.200 hành khách thực hiện thành công lộ trình.
Ông Bùi Đức Hưng cho rằng, đây là một mô hình mới, do đó, quá trình triển khai cũng từng bước nghiên cứu nhu cầu của hành khách để nâng cao chất lượng dịch vụ: "Với mục tiêu thay đổi thói quen của người dân từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, chúng tôi cũng nhận thấy đây là việc làm cần thời gian và cần sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu vận hành, và sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội.
Chúng tôi tin rằng kết quả của chương trình thí điểm cũng sẽ góp phần quan trọng để các cơ quan nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các nội dung liên quan về việc đề xuất chính sách phát triển xe điện 2 bánh công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội”.
Xe đạp điện công cộng được người dân sử dụng trên đường Hà Nội
Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ GTVT cũng cho biết, Nhà trường đang kiến nghị Sở GTVT Hà Nội gia hạn thời gian triển khai Chương trình thí điểm đến cuối tháng 11/2023 (tròn 1 năm thực hiện thí điểm). Đồng thời mở thêm điểm mượn/trả xe điện 2 bánh tại Ga Văn Quán của tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông để phục vụ kết nối hành khách từ Ga Văn Quán đến Nhà chờ BRT Văn Khê.
Như vậy, người dân sẽ có thêm sự lựa chọn di chuyển kết nối giữa 2 loại hình phương tiện vận tải khối lượng lớn là tàu điện trên cao và xe buýt bằng xe điện hai bánh. Đồng thời Dự án có thêm thời gian, mở rộng phạm vi, quy mô để nghiên cứu thử nghiệm, cùng với học tập kinh nghiệm quốc tế để từ đó đề xuất chính sách phát triển hệ thống xe điện hai bánh công cộng tại Hà Nội, góp phần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các phương tiện công cộng khối lượng lớn như xe bus, tàu điện trên cao, tù đó tăng số lượng người sử dụng phương tiện công cộng...
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc tăng tuyến kết nối, tăng sự lựa chọn di chuyển cho hành khách khi kéo dài thêm đến ga đường sắt Văn Quán – nơi phát sinh nhiều hơn những chuyến đi chặng ngắn có thể góp phần đánh giá kỹ khả năng thay thế xe điện 2 bánh cho phương tiện cá nhân.
“Việc kéo dài, nối đến nhà ga đường sắt cũng là đề xuất khá hay, vì cả 2 đều giúp tạo thêm lựa chọn đi lại vừa miễn phí, vừa ít gây hại đến môi trường. Đối với hành khách sử dụng phương tiện công cộng thì đấy cũng là một đề xuất tương đối có ý nghĩa”, ông Phan Lê Bình nói.
TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng cho rằng, đây là chương trình thí điểm, do vậy, giá trị của nó rất quan trọng để giải quyết nhu cầu đi lại, kết nối từ phương thức vận tải khối lượng lớn đến các điểm thu hút phát sinh, như trung tâm thương mại, siêu thị…
Tuy vậy, cần đánh giá bổ sung thêm những tiêu chí khác, đồng thời bố trí tuyến dài hơn, kết nối đến các khu dân cư nhiều hơn, nơi có những chuyến đi thường xuyên thì sẽ hiệu quả và chính xác hơn.
“Chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn về việc thu hút phát sinh, tức là lượng khách chuyển tuyến để có thể sử dụng đi xe điện để kết nối chuyến đi ngắn. Theo tôi ở kết nối tuyến BRT ở Văn Khê vào Aeon Mall chủ yếu đông vào cuối tuần. Do đó, để phát huy hiệu quả, chúng ta nên kết nối những chuyến đi thường xuyên, hàng ngày của người dân. Khi đó mới là cái lớn”, TS. Phạm Hoài Chung cho biết.
Một số ý kiến cũng cho rằng, mặc dù dự án mới trong giai đoạn thử nghiệm trong phạm vi quy mô nhỏ, thời gian ngắn song bước đầu cũng đã tạo được hiệu ứng lan tỏa đối với hành khách, đặc biệt là đối tượng hành khách trẻ tuổi, hành khách quan tâm đến các hoạt động môi trường, giao thông xanh.