Với đặc thù là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, tổng chiều dài 536km sông, kênh; trong đó có 4 tuyến sông lớn gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy với tổng chiều dài 253,5km; 15 sông địa phương với tổng chiều dài 268km (có 2 sông là sông Vọp dài 15km; sông Múc dài 26,5km đã được UBND tỉnh công bố luồng tuyến, đưa vào khai thác); trên 72km bờ biển có 4 cửa sông lớn gồm cửa Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, cửa Đáy và các bãi ngang. Do vậy, tỉnh cũng có hệ thống bến khách ngang sông và bến thủy nội địa đa dạng với 91 bến khách ngang sông; trong đó có 80 bến đang hoạt động có mật độ người và phương tiện lưu thông lớn. Do vậy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuyến đường thủy trong mùa mưa bão là hết sức quan trọng và phức tạp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, bất thường.
Bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng) thực hiện nghiêm
các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thuỷ
Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống hiệu quả khi xảy ra các tình huống thiên tai, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ, trong tháng 4/2023, Sở GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trước mùa mưa bão trên toàn hệ thống đường thủy nội địa tại tỉnh; đặc biệt là kiểm tra công tác PCTT tại các điểm vượt sông, bến phà: Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B; Đống Cao trên tuyến Quốc lộ 37B; Sa Cao - Thái Hạc trên đường tỉnh 489; cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên tuyến Quốc lộ 37B… Theo kết quả kiểm tra, tại các điểm vượt sông trọng điểm đơn vị quản lý đã xây dựng phương án PCTT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; chuẩn bị đầy đủ vật tư PCTT dự trữ theo kế hoạch và đảm bảo ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết. Cùng với công tác kiểm tra, theo kế hoạch PCTT đã được phê duyệt, để ứng phó tốt với các tình huống thiên tai, trước mùa mưa bão năm nay, Sở GTVT yêu cầu đơn vị quản lý các điểm vượt sông trọng điểm như: Phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Đống Cao, phà Đại Nội, cầu phao Ninh Cường, phải có kế hoạch nạo vét âu dấu, đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp, vật tư dự phòng. Đặc biệt lưu ý mọi phương án, kế hoạch PCTT phải được triển khai, chuẩn bị chu đáo, không lơ là, chủ quan, chú ý đến phương tiện, cơ sở vật chất, kiểm tra, sửa chữa kịp thời để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi mùa mưa bão đến và thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Vương, Giám đốc Công ty Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định cho biết: Công ty được Sở GTVT giao quản lý, bảo trì các Quốc lộ 21, 21B và 2 bến phà Sa Cao - Thái Hạc (vượt sông Hồng sang tỉnh Thái Bình) và bến phà Đại Nội (huyện Trực Ninh). Thực hiện phương án PCTT năm 2023 đã được Sở GTVT phê duyệt, Công ty đã xây dựng phương án PCTT và TKCN năm 2023; yêu cầu các bến phà chủ động xây dựng phương án PCTT của bến, chủ động kiểm tra, sửa chữa toàn bộ các phương tiện vượt sông như phà, ca nô, rà soát lại các hố thế trong âu và chuẩn bị đầy đủ vật tư PCTT, bố trí nạo vét âu để đảm bảo cất giấu phương tiện khi có tình huống bão cấp 6, lũ báo động cấp 2 trở lên. Để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc đã thành lập Ban Chỉ huy và 2 tổ xung kích PCTT gồm 28 người; khi có tình huống thiên tai xảy ra yêu cầu trực 100% quân số và luôn phải mặc áo phao đầy đủ. Bến cũng tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện hiện có gồm 1 ca nô, 1 phà 30 tấn, 1 phà tự hành và 1 phà mini để đảm bảo các phương tiện luôn trong tình trạng kỹ thuật vận hành tốt; hoàn thành việc nạo vét âu cất giữ phương tiện, kiểm tra toàn bộ các hố neo xung quanh bờ âu để sẵn sàng cất giấu phương tiện khi có lệnh. Bên cạnh đó, thực hiện phương châm 4 “tại chỗ”, bến phà Sa Cao - Thái Hạc đã chuẩn bị sẵn 400 lít dầu Diezel; 120kg chão ni lông D35; 40 phao tròn nhựa; 1 phao bè; 120kg cáp D16; 6 hố thế ở hai bờ âu; 40 áo phao… để sẵn sàng sử dụng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các điểm vượt sông trọng điểm, các bến khách ngang sông. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề: bến phải có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, phải có báo hiệu thông báo bến; phương tiện phải có đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật còn hiệu lực, có đủ trang thiết bị nổi an toàn; thuyền viên, người lái phải có đủ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định… Kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn; đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn có bến khách ngang sông tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động của bến theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; những quy định tại các Thông tư số: 22/2014/TT-BGTVT ngày 6-6-2014 hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách, xe ô tô và Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17-10-2014 về quy trình quản lý cảng, bến thủy nội địa. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở GTVT có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng.
Để bảo đảm ATGT đường thủy, các chủ phương tiện và người dân tham gia giao thông đường thủy cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là các quy định về việc sử dụng áo phao và các quy tắc an toàn khác khi đi đò, phà nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn đường thủy có thể xảy ra. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tích cực phối hợp với đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết các vấn đề gây mất trật tự ATGT đường thủy của tỉnh; tiếp tục rà soát thống kê các điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy để báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xử lý./.