Áp dụng công nghệ số, thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh đã nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng đến với đường sắt.
Hành khách có thể mua vé tàu online nhanh chóng, thuận tiện.
Mua vé, chọn ghế, gửi hàng chưa bao giờ dễ đến thế
Trên chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) cho biết, công ty bất ngờ thông báo cho nghỉ làm vì bị cắt điện theo lịch, chị và các đồng nghiệp lập tức lập nhóm đi trải nghiệm food tour. Chỉ bằng vài thao tác dễ dàng qua ví điện tử MoMo, chị đã mua được vé, chọn toa tàu, chọn cả ghế ngồi, yên tâm sáng hôm sau lên đường.
Cũng như chị Ngọc, vừa kéo vali vào ga, chị Kiều Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa chia sẻ: "Tôi quê Nghệ An, một năm cũng phải vài lần về thăm nhà.
Trước đây, để mua được tấm vé tàu, nhất là vào dịp tết, rất khổ sở. Tôi phải “canh” xem khi nào đường sắt bán vé tàu tết đi Vinh, rồi xin nghỉ làm, ra ga Hà Nội xếp hàng rồng rắn, chầu chực mất vài giờ. Có lần tới lượt thì hết vé, hôm sau lại ra ga xếp hàng.
Giờ thì nhàn tênh. Chỉ việc ngồi nhà mua vé online, mua qua web cũng được, qua app trên điện thoại cũng được. Mua online nên có thể tra tìm, so sánh giá vé giữa đi máy bay, ô tô hay tàu để chọn cho phù hợp túi tiền. Như dịp Tết, đi máy bay cũng phải trên 1 triệu đồng/vé/lượt, nhưng đi tàu loại giường nằm, giá vé rẻ hơn, chưa tới 700 nghìn/vé”.
Ghi nhận của PV tại ga Hà Nội ngay giữa cao điểm, khách đông nhưng tại các cửa soát vé vào ga hay tại các cửa toa tàu, dễ thấy hình thức soát vé “lạ” so với mấy năm trước đây: Thay vì tấm vé bằng giấy chỉ nhỏ như căn cước công dân, hành khách lại đưa ra nhiều loại “vé”. Người đưa tờ giấy A4, người đưa tờ giấy như tờ hóa đơn siêu thị; lại có người chỉ đưa điện thoại cho nhân viên.
Một nhân viên soát vé cho hay, từ năm 2014, ngành đường sắt đã triển khai bán vé tàu điện tử, mua qua mạng. Hành khách không cần phải đến ga như trước, mà chỉ cần vào website bán vé của đường sắt hoặc thông qua các ứng dụng điện tử, app trên điện thoại thông minh như ngân hàng điện tử, ví điện tử MoMo, ZaloPay, VinID... là có thể đặt vé, mua vé, thanh toán online.
Mã vé sẽ được gửi về cho khách hàng qua mail, tin nhắn. Nếu muốn chắc chắn, khách có thể tự in thẻ lên tàu tại nhà hoặc ra ga in vé tại các kios in vé tự động. Còn đa số khách hàng sẽ lưu trên điện thoại, đưa nhân viên đường sắt kiểm tra là vào ga, lên tàu.
Thông qua hệ thống vé tàu điện tử, đường sắt kiểm soát được thông tin hành khách,
sản lượng, doanh thu kịp thời. (Ảnh: Nhân viên soát vé hành khách qua điện thoại)
Không chỉ mua vé tàu qua mạng, khách hàng còn có thể ngồi nhà gửi hàng chuyển phát nhanh qua mạng.
Bà Tú Oanh (Phúc Diễn, Hà Nội) cho biết, năm nào bà cũng cần gửi quà đặc sản miền Bắc vào TP.HCM cho người thân như quả sấu dầm, vải thiều sấy... Nhưng gửi qua đường hàng không cước phí rất đắt, mà gửi ô tô thì không yên tâm, sợ hỏng hàng. Hai năm nay, được người quen giới thiệu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là bà đã có thể gửi hàng “từ nhà đến nhà”.
“Tôi điền thông tin về loại hàng, khối lượng, địa chỉ nhận hàng, địa chỉ giao hàng, rồi chọn nhận hàng tại nhà, giao hàng cũng tại là sẽ tự hiển thị giá tiền", bà Oanh nói và cho biết: Gửi 10kg sấu dầm từ nhà tôi đi quận 9, TP.HCM chỉ mất khoảng 150 nghìn đồng, lại có nhân viên đường sắt đến tận nhà nhận hàng, trong khi nếu gửi máy bay phải mất khoảng 500 - 600 nghìn đồng.
Nhiều lợi ích nhờ ứng dụng công nghệ
Đánh giá các hệ thống bán vé điện tử sau nhiều năm triển khai, ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn khẳng định, việc này vô cùng hiệu quả. Khách hàng có thể “mua vé mọi lúc, mọi nơi”, đỡ mất thời gian và giảm những bức xúc, áp lực tại các nhà ga mỗi dịp cao điểm.
Đáng nói hơn, thông tin về sản lượng, doanh thu theo thời gian thực được trên hệ thống sẽ giúp ích cho việc ra các quyết định kinh doanh được nhanh chóng.
“Nhìn trên hệ thống biết sắp đến thời điểm tàu khởi hành nhưng lượng vé còn nhiều thì giảm giá vé và thông tin công khai ngay trên hệ thống để thu hút khách đi tàu. Ngược lại, sắp hết vé nhưng nhu cầu, lượt khách truy cập vẫn cao thì cho nối thêm toa hoặc lập thêm tàu...
Với việc áp dụng các hệ thống này trong vận tải và các giải pháp kinh doanh khác, chỉ tính riêng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2023 của công ty đạt hơn 833 tỷ đồng, bằng 131,4% cùng kỳ 2022. Trong đó, doanh thu vận tải khách tăng trưởng hơn 67% so cùng kỳ”, ông Truyền cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết: Khoảng 60% khách hàng mua vé tàu qua mạng, giảm áp lực khách về ga mua vé dịp cao điểm như dịp nghỉ lễ, tết. Trước đây bán vé thủ công dễ xảy ra sai sót, việc kiểm soát khó hơn. Khi cần thông tin báo cáo, thống kê hay đối soát cũng chậm hơn, phải chờ các khâu, có khi đến cả tháng.
Trong vận tải hàng, thông qua các thông tin hiển thị trên hệ thống về trạng thái thương vụ, an toàn toa xe như hàng gì, bao nhiêu tấn, doanh thu bao nhiêu, hiện đang ở đâu..., người điều hành có thể tính toán được các yếu tố giảm chi phí, điều chỉnh giá cước linh hoạt, tức thời theo nhu cầu vận chuyển từng mặt hàng, luồng hàng, cung chặng như giảm giá chiều rỗng, tăng thu... Qua đó, mang lại hiệu quả về sản lượng, doanh thu.
Chủ hàng tự truy cập, giám sát đường đi của hàng hóa
Khoảng 4 - 5 năm nay, bà Phạm Thị Minh Loan, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Giang Toàn (Dĩ An, Bình Dương) không phải vất vả truy tìm hàng hóa đã gửi vận chuyển theo tàu đang ở đâu.
Bà Loan cho biết, trước kia nếu muốn biết hiện hàng đã được vận chuyển đi chưa, tàu đi đến đâu, bao giờ về đến ga, bà phải gọi cho nhân viên hóa vận tại ga. Nhưng nhân viên hóa vận cũng chưa thể trả lời ngay mà sẽ phải “truy tìm”. Họ sẽ phải gọi hỏi các khâu khác, như gọi điện cho điều độ, điều độ lại truy tìm xem hàng đang đi “du lịch” ở đâu, rất mất thời gian.
Giờ sau khi hoàn tất thủ tục gửi hàng tại ga, đường sắt sẽ gửi khách hàng giấy gửi hàng điện tử, trên đó có link truy cập tra cứu giấy gửi hàng, tra cứu hóa đơn điện tử. Nếu yêu cầu, khách hàng sẽ được cấp quyền truy cập vào hệ thống quản trị vận chuyển hàng hóa điện tử và dễ dàng tìm được hàng của mình đang đi theo tàu nào, chạy đến đâu.
“Biết sớm thông tin hàng đang vận chuyển theo tàu, chúng tôi sẽ chủ động được kế hoạch dỡ hàng khi tàu về đến ga, rất thuận lợi, hơn nữa giảm thời gian lưu hàng trên toa tàu. Trước kia việc nắm thông tin chậm dẫn đến chúng tôi khó chủ động được kế hoạch bốc xếp hàng. Tàu về ga rồi, nhưng không dỡ hàng sớm, để quá giờ, chúng tôi bị phạt tiền”, bà Loan cho biết.
Chia sẻ về hệ thống này, ông Nguyễn Hồng Quân, Trạm trưởng Trạm Kinh doanh vận tải đường sắt Giáp Bát cho hay, từ năm 2018, đường sắt đã triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống lõi quản trị vận tải hàng hóa.
Hệ thống hiển thị chi tiết trạng thái tức thời của đoàn tàu, của toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; thống kê lịch sử vị trí, lịch sử di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm quá khứ và dự kiến 24 giờ tiếp theo.
Ngoài ra, còn có tình hình cấp xe của tất cả các trọng điểm hàng hóa, các ga xếp hàng hóa gì, xếp đi đâu hoặc đang dỡ hàng gì, còn chờ dỡ bao nhiêu toa xe, người gửi hàng là ai, gửi đến đâu...
“Khi chủ hàng cần thông tin hàng đang đi đến đâu, thay vì phải gọi điện hỏi điều độ, chúng tôi có thể tự vào hệ thống, tra tìm nhanh để thông tin luôn cho chủ hàng”, ông Quân nói.
Tương tự, khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển, nhân viên của trung tâm có thể “nhìn” thấy trên hệ thống có xe rỗng không, là chủng loại gì, đang ở khu đoạn nào, trên cơ sở đó xin cấp toa xe. Mọi thông tin với chủ hàng nhanh chóng hơn nên nâng cao được chất lượng dịch vụ, chủ hàng cũng yên tâm lựa chọn vận chuyển hàng bằng tàu hơn.
Đường sắt triển khai hệ thống quản trị vận tải hàng hóa, cho phép kiểm tra
thông tin toa xe, hàng vận chuyển theo tàu theo thời gian thực
(Ảnh: Bãi container ga Yên Viên)
Mục tiêu chuyển đổi số toàn diện
Ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, những năm qua đường sắt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực từ vận tải hành khách, hàng hóa, điều hành chạy tàu, đến đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, Tổng công ty đã phối hợp trong việc triển khai các chương trình chuyển đổi số chung của các cấp có thẩm quyền như: Triển khai hệ thống quản lý văn bản kết nối với trục liên thông của quốc gia; ứng dụng triển khai chữ ký số; kết nối hệ thống thuế theo quy định của Tổng cục Thuế; cung cấp dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia.
“Việc chuyển đổi số và số hóa toàn bộ các dữ liệu trong nhiều mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty đã được đẩy mạnh.
Riêng đối với khối vận tải đã hoàn thành mục tiêu số hóa toàn bộ các dữ liệu gốc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên. Toàn bộ các mặt hoạt động vận tải có thể tra cứu, giám sát tại bất kỳ thời điểm nào với các số liệu tổng hợp theo thời gian thực”, ông Khang nói.
Tổng công ty cũng đã làm việc với Viettel, Mobifone và VNPT để tìm hiểu tư vấn về lập đề án chuyển đổi số. Mục tiêu tích hợp, kết nối và liên thông toàn bộ các phần mềm đang được triển khai tại tổng công ty trên nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung (Datacenter) để đảm bảo tính toàn vẹn và đồng bộ dữ liệu các hệ thống, từ đó có những phân tích đánh giá nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Cùng đó, xây dựng hệ sinh thái số các hoạt động dịch vụ của tổng công ty trên các nền tảng (mạng xã hội, webiste, điện thoại di động...) để nâng cao chất lượng và trải nghiệm của khách hàng, gia tăng khách hàng, thị phần...
Thực hiện mục tiêu thay thế và chuyển đổi dần mô hình kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt VN từ liên hệ trực tiếp sang mô hình kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng - giao dịch điện tử… ông Khang cho biết, đường sắt dự kiến chi cho chuyển đổi số chiếm tỷ trọng khoảng 1 - 2%/tổng doanh thu, tương đương khoảng 25 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn trước mắt, Tổng công ty sẽ tiếp tục phát triển các kênh bán vé tự động, đa dạng hóa các loại hình liên kết với các công ty du lịch, các hãng vận tải; triển khai mô hình cây bán vé tự động; phát triển dịch vụ đăng ký gửi hàng hóa trên môi trường số.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái số trong công tác vận tải hành khách nhằm hỗ trợ hành khách, chủ hàng có thể theo dõi từ khâu tìm hiểu, đăng ký, nhận vé, thanh toán, mua sắm dịch vụ tới các dịch vụ gia tăng như: thuê xe, đặt phòng, mua sắm đặc sản địa phương.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt VN, hiện Cục đã triển khai nhiều nội dung trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt về xây dựng hệ thống phục vụ hành chính công trực tuyến, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đến nay, đã xử lý văn bản liên thông 100% trên nền tảng điện tử. Cục đã cung cấp 14 thủ tục hành chính (TTHC) công trực tuyến thuộc lĩnh vực đường sắt, trong đó có 12 thủ tục hành chính công trực tuyến toàn trình và 2 thủ tục hành chính công một phần (do liên quan đến cấp chứng nhận an toàn hệ thống với đường sắt đô thị, cần sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước khác, không thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng).
Từ khi triển khai thực hiện nâng mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình (5/2021) đến nay, Cục đã giải quyết được 714 hồ sơ TTHC, trong đó: 300 hồ sơ TTHC cấp độ 3; 414 hồ sơ TTHC cấp độ 4; 174 hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính công ích.