Công ty Quản lý bay miền Nam tổ chức Hội thảo triển khai Quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi

Thứ tư, 27/09/2023 14:38 GMT+7

Công ty Quản lý bay miền Nam (QLBMN) vừa tổ chức Hội thảo triển khai Quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đồng chí Đặng Văn Thái - Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam, đồng chí Chu Minh Được - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý luồng không lưu đồng chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, đồng chí Phạm Xuân Thanh - Trưởng phòng Nghiệp vụ ATFM (Air Traffic Flow Management - Quản lý luồng không lưu), Trung tâm Quản lý luồng không lưu đã phổ biến Quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi (ban hành kèm theo Quyết định số 4960/CHK-QLHĐB ngày 12/9/2023 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam).

Theo đó, Quy trình này được triển khai nhằm mục đích điều hòa nền không lưu và hỗ trợ hoạt động khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tăng cường hiệu quả, an toàn hoạt động bay. Ngoài ra, Quy trình này giúp chi tiết hóa và đảm bảo thực hiện thống nhất các quy trình, phương thức, quy tắc và những nguyên tắc chính, các yêu cầu chủ yếu về việc thực hiện phối hợp các giải pháp điều tiết luồng không lưu.

Ngoài Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (các công ty Quản lý bay khu vực, Trung tâm Quản lý luồng không lưu (QLLKL), Khí tượng hàng không (KTHK) và Thông báo tin tức hàng không (TBTTHK)), Quy trình còn có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị khác như Cảng vụ, Cảng Hàng không (HK), Hãng HK,..

Quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Trung tâm KTHK Nội Bài và Tân Sơn Nhất thông báo ngay cho Trung tâm QLLKL khi dự báo xuất hiện các điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động bay;

Bước 2: Trung tâm QLLKL căn cứ vào thông tin nhận được chủ trì, tổ chức họp CDM (Collaborative Decision Making - Phối hợp ra quyết định) trực tuyến để thống nhất biện pháp ATFM sẽ áp dụng. Tại cuộc họp CDM này, Cơ sở APP/TWR dựa vào thông tin từ cơ sở khí tượng và tình hình hoạt động tại sân bay để đề xuất và thống nhất các điều chỉnh về năng lực tiếp thu tàu bay trong khung giờ bị ảnh hưởng (Chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường cất hạ cánh (CHC) và điều hành bay (ĐHB) trong khung giờ dự báo bằng 60% Chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường CHC và ĐHB đã công bố);

Bước 3: TT QLLKL thực hiện tính toán CTOT (Calculated Take Off Time - Giờ khởi hành tính toán) cho các chuyến bay bị ảnh hưởng và tư vấn CTOT cho các bên liên quan. ACC Hà Nội, ACC Hồ Chí Minh, CTL Đà Nẵng và các TWR căn cứ CTOT đã nhận để tác nghiệp, hạn chế tình trạng bay chờ, ùn tắc tại các sân bay liên quan;

Bước 4: Căn cứ diễn biến của điều kiện thời tiết và dự báo của cơ sở khí tượng, Cơ sở APP/TWR tại sân bay bị ảnh hưởng xác định và thông báo cho Trung tâm QLLKL về việc áp dụng trở lại Chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường CHC và ĐHB đã công bố.

Thực hiện theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức kế hoạch triển khai áp dụng Quy trình nêu trên từ ngày 25/9/2023 và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Quy trình, báo cáo Cục HKVN sau 01 tháng thực hiện.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)