Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị giám sát hành trình
được lắp đặt trên xe khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các sở giao thông vận tải đẩy mạnh việc kiểm tra, trích xuất dữ liệu trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, trong chín tháng của năm nay, các sở giao thông vận tải đã thu hồi phù hiệu gần 470.000 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên.
Các địa phương thu hồi phù hiệu nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh 4.236, Hà Nội 3.417, Bình Dương 2.129, Nghệ An 1.668, Đồng Nai 1.538, Thanh Hóa 1.400, Hưng Yên 1.164; Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên với 17.866, tiếp đến là Hà Nội với 6.272, Bình Dương 4.162…
Ngoài ra, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành cũng chấn chỉnh nhắc nhở đối với gần 250.000 phương tiện có vi phạm tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng lưu ý, đối với các trường hợp vi phạm về quá thời gian lái xe liên tục, vi phạm không truyền dữ liệu khi xe đang hoạt động, trước khi ra quyết định xử lý, đề nghị các sở giao thông vận tải có thông báo, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải kiểm tra đối với từng trường hợp để đảm bảo tính chính xác, xử lý đúng các trường hợp vi phạm.
Đối với việc xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ theo quy định, hiện nay, trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Cục Đường bộ Việt Nam chưa cập nhật xong biển báo tốc độ trên các tuyến cao tốc (gồm Nha Trang-Cam Lâm, Trung Lương-Mỹ Thuận, La Sơn-Túy Loan, Vân Đồn-Móng Cái, Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Mai Sơn-Quốc lộ 45).
Vì vậy, trước khi thực hiện xử lý, Cục Đường bộ đề nghị sở giao thông vận tải có thông báo, yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải kiểm tra đối với từng trường hợp vi phạm đồng thời thực hiện kiểm tra, rà soát từng lần vi phạm quá tốc độ tại báo cáo chi tiết quá tốc độ để xác định chính xác số lần vi phạm tại các thời điểm phương tiện đi qua các tuyến đường nêu trên.
Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi cho các sở giao thông vận tải truy cập, phối hợp xử lý phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm./.