Bình Định: Triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn

Thứ năm, 05/10/2023 13:28 GMT+7

Chiều 04/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, trong 9 tháng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân; chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý trong tổ chức giao thông; đẩy mạnh quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT được đặc biệt chú trọng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 40.300 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn gần 6.430 trường hợp, phạt tiền 71,3 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022); tạm giữ gần 9.290 trường hợp; khởi tố 45 vụ tai nạn giao thông, 45 bị can (tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022); xử phạt hành chính 23 vụ, phạt tiền hơn 162,7 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATGT các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Còn tồn tại nhiều vị trí mất ATGT ở tất cả các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường nông thôn, đường sắt. Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tăng so với cùng kỳ trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể: toàn tỉnh xảy ra 130 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 88 người; so với cùng kỳ năm 2022, tăng 37 vụ, tăng 01 người chết, tăng 52 người bị thương. Riêng trong Qúy III, toàn tỉnh xảy ra 69 vụ TNGT, làm chết 47 người, bị thương 47 người; so với cùng kỳ năm 2022, tăng 45 vụ, tăng 21 người chết, tăng 40 người bị thương. Có 03 địa phương có số người chết vì TNGT giảm là Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước; có 05 địa phương có số người chết vì TNGT tăng là Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Vân Canh, An Lão; các địa phương còn lại có số người chết không tăng không giảm. Theo phân tích, các vụ TNGT xảy ra chủ yếu ở tuyến quốc lộ và nội thị; đối tượng gây TNGT chủ yếu là mô tô và xe gắn máy. Phần lớn các vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân trực tiếp là do một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy dịnh pháp luật về TTATGT.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác đảm bảo TTATGT để thực hiện đạt mục tiêu năm 2023 giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022.

Trong các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ: cải thiện hạ tầng giao thông; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; đẩy mạnh quản lý phương tiện tham gia giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải khảo sát, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT; bổ sung hệ thống camera tại các điểm này. Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo. Siết chặt quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải; kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông; các doanh nghiệp có tài xế vi phạm phải liên đới chịu trách nhiệm. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện.

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ các phương tiện tham gia vận chuyển vật liệu phục vụ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các phường, xã tăng cường các bản tin ATGT của địa phương mình, ngoài việc tuyên truyền các quy định của Luật giao thông đường bộ, trong các bản tin cũng phải nêu tên người vi phạm giao thông để răn đe. Cùng với đó, mỗi địa phương, kể cả các phường, xã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó có công tác xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo TTATGT; xây dựng lịch trình vận tải phù hợp, đặc biệt phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho tài xế một cách hợp lý. Đảm bảo quy định an toàn về phương tiện. Quản lý chặt lái xe, nhất là về nồng độ cồn, ma túy,…

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công an các cấp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi được thông báo. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương để xử lý các “điểm đen” tại trường học.

Sở Nội vụ nghiên cứu Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Sở Y tế chỉ đạo tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân trong các vụ TNGT; xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông trong các vụ TNGT.

Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”./.

Nguồn: Cổng TTĐT Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)