Điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá ngành GTVT chưa hợp lý

Thứ năm, 19/10/2023 08:45 GMT+7

Tại Văn bản số 8118/VPCP-CN ngày 18/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao một số Bộ liên quan nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá ngành Giao thông vận tải chưa hợp lý.

Điều chỉnh, sửa đổi các tiêu chuẩn, định mức giá chưa hợp lý ngành giao thông - Ảnh 1.

Nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức,

đơn giá ngành Giao thông vận tải chưa hợp lý.

Trước đó, tại Văn bản số 5391/VPCP-CN ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng kịp thời rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa được ban hành hoặc còn bất cập, chưa hợp lý, kịp thời ban hành, điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong Báo cáo, Bộ Giao thông vận tải đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong ngành Giao thông vận tải.

Cụ thể, về định mức: các dự án ngành giao thông vận tải có đặc thù trải dài theo tuyến nhưng các định mức chi phí (quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát) đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 12/2021/TT-BXD có tỷ lệ thấp hơn so với các chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng, có 03 phương pháp để xây dựng định mức mới: (1) Tính toán theo hồ sơ thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi công, biện pháp thi công được dự kiến; (2) Theo số liệu thống kê của công trình đã thực hiện; (3) Tổ chức khảo sát, thu thập số liệu từ thi công thực tế. Việc xây dựng định mức theo phương pháp (1) và (2) chưa có định mức cơ sở do Bộ Xây dựng ban hành nên còn khó khăn khi xây dựng định mức. Nếu thực hiện theo phương pháp (3) cần phải có công địa để thực hiện và thường mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và ban hành định mức chuyên ngành; đồng thời, đối với công tác xây dựng định mức mới theo phương pháp (3) yêu cầu "số liệu phiếu khảo sát phải đảm bảo đủ độ tin cậy" nhưng không quy định rõ số lượng cần thực hiện khảo sát như thế nào là đủ độ tin cậy dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, hầu hết các công trình, dự án khi lập dự toán đều xây dựng định mức mới, điều chỉnh định mức, nếu tất các chủ đầu tư đều phải khảo sát, thu thập số liệu từ quá trình thi công thực tế để chuẩn xác định mức sẽ dẫn đến khối lượng khảo sát định mức từ thi công rất lớn, trong khi rất nhiều định mức mới, định mức điều chỉnh đều trùng lặp ở nhóm các công việc thuộc các công trình, dự án. Khi Chủ đầu tư xây dựng định mức mới, điều chỉnh định mức cho từng dự án chưa có quy định cụ thể để ban hành làm cơ sở áp dụng cho các công trình, dự án tiếp theo.

Về đơn giá dự toán: Nghị định 10/2021/NĐ-CP chưa có các quy định chặt chẽ để bảo vệ việc quyết định áp dụng, sử dụng định mức mới, định mức điều chỉnh, giá vật liệu đảm bảo phù hợp với giá thị trường của Chủ đầu tư; đặc biệt, đối với các dự án đầu tư công còn chịu sự quản lý của các cơ quan hậu kiểm. Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư công, việc áp dụng định mức cần phải tuân thủ quy định tại khoản 51 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 "Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, chủ đầu tư căn cứ quy định về quản lý chi phí, áp dụng hệ thống định mức được ban hành để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng".

Về đơn giá nhân công: Theo quy định, đơn giá nhân công do các địa phương công bố hiện nay trên cơ sở áp dụng mức lương tối thiểu vùng và tham khảo khung giá của Bộ Xây dựng ban hành. Thực tế giá nhân công do các địa phương ban hành hiện nay có mức giá thấp hơn so với giá nhân công lao động phổ thông trên thị trường, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo quy định hiện hành về quản lý chi phí, giá vật liệu được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng. Tuy nhiên, đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ nhưng giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

Từ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai thực hiện nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức và sớm sửa đổi Thông tư 12/2021/TT-BXD; sớm điều chính khung giá nhân công và hướng dẫn các địa phương ban hành đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá nhân công khu vực.

Đồng thời, bổ sung quy định về nội dung xác định giá vật liệu tại các mỏ vật liệu tại các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù giao cho Nhà thầu khai thác vào Thông tư sửa đổi Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí…

Sau khi xem xét Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến các Bộ: Tài chính, Tư pháp về công tác rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa được ban hành hoặc còn bất cập, chưa hợp lý ngành giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các nội dung chưa phù hợp; bổ sung các nội dung cần hướng dẫn (nếu có) để có văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12/9/2023, khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chuẩn về đường bộ cao tốc, đường bộ, đường sắt, đường thủy...; hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)