Đây là một nghịch lý khó chấp nhận, bởi nhiều người trong số họ từng kêu gọi hành động để giảm phát thải carbon.
Những con số gây sốc
Nghịch lý trên đã làm nóng hội nghị COP28 vừa diễn ra tại Dubai. Giữa những lời kêu gọi khẩn cấp cần có hành động để ngăn biến đổi khí hậu, Chính phủ Anh đã bị phe đối lập chỉ trích vì đưa tới ba máy bay chở các quan chức cấp cao đến tham dự hội nghị.
Ông Elon Musk từng bị chỉ trích vì dùng máy bay riêng
để thực hiện chuyến bay trong vỏn vẹn 9 phút.
Thủ tướng Anh khẳng định, chuyên cơ phục vụ ông sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Đồng thời, Chính phủ Anh cũng thực hiện các biện pháp bù trừ carbon, nhưng phe đối lập đã lấy việc lãnh đạo đi dự một sự kiện chống biến đổi khí hậu lại dùng phương tiện phát thải cao để chỉ trích.
Từ cơ sở dữ liệu OpenSky và công thức tính mức phát thải và mức nhiên liệu tiêu thụ của Tổ chức An toàn hàng không châu Âu (Eurocontrol), tờ The Guardian thống kê, khoảng 300 máy bay cá nhân của 200 người nổi tiếng, doanh nhân, nhà tài phiệt trên thế giới đã thực hiện 44.739 chuyến bay trong khoảng thời gian 21 tháng kể từ đầu năm 2022, phát thải khoảng 415.518 tấn CO2. Lượng phát thải trên tương đương tổng lượng phát thải của 40.000 người dân tại Anh.
Cạnh đó, 39 máy bay liên quan tới 30 nhà tài phiệt Nga bao gồm tỷ phú Roman Abramovich, Leonid Mikhelson và cố thủ lĩnh tập đoàn quân sự tư nhân Wagner - ông Yevgeny Prigozhin đã phát thải 30.701 tấn CO2 kể từ đầu năm 2022 tới nay, tương đương tổng lượng phát thải carbon của khoảng 1.000 người Nga.
Cũng theo thống kê của The Guardian, trong số những máy bay phát thải nhiều nhất, phải kể đến máy bay Boeing 767 thân rộng thuộc sở hữu của nhóm nhạc Rolling Stones. Kể từ đầu năm 2022 tới nay, phương tiện này đã phát thải 5.046 tấn CO2, tương đương một hành khách ngồi ghế hạng phổ thông thực hiện 1.763 chuyến bay từ London tới thành phố New York.
Trong khi đó, máy bay cá nhân của tỷ phú Lawrence Stroll - chủ sở hữu đội đua công thức một Aston Martin đã thực hiện tổng cộng 1.512 chuyến bay kể từ đầu năm 2022 tới nay. Ông Lawrence Stroll còn sở hữu hai trực thăng cá nhân.
Đáng nói, tỷ phú này thực hiện nhiều chuyến bay với thời lượng vô cùng ngắn, chỉ khoảng 15 phút trở xuống và với tần suất nhiều nhất trong khoảng 200 máy bay cá nhân của những người nổi tiếng.
Theo tính toán của tờ báo Anh, cứ 6 chuyến bay do máy bay cá nhân của những người nổi tiếng, doanh nhân thế giới thực hiện (ngoại trừ các chuyến bay bằng trực thăng) thì có một chuyến bay chặng ngắn với thời lượng từ nửa giờ trở xuống.
Những người nổi tiếng, doanh nhân có hoạt động của máy bay riêng nằm trong danh sách theo dõi của Guardian chưa phản hồi trước thông tin do hãng tin đăng tải.
Làm gì để hạn chế máy bay riêng?
Kết quả phân tích của The Guardian cho thấy, việc sử dụng máy bay cá nhân tăng mạnh kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Theo đó, hoạt động của máy bay cá nhân tại châu Âu vào năm ngoái đã ở mức cao nhất kể từ sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2007. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo doanh số bán máy bay riêng nhiều khả năng sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử vào năm nay.
Nội thất sang trọng của một chiếc máy bay riêng (ảnh minh họa).
Đáng chú ý, khoảng 40% chuyến bằng máy bay cá nhân không có hành khách mà chỉ di chuyển để đón chủ sở hữu hoặc khách. Nhiều phương tiện do bạn bè, người thân, đối tác kinh doanh của chủ sở hữu sử dụng hoặc được cho thuê.
The Guardian cho rằng, từ nghiên cứu trên và báo cáo của một số tổ chức khác cho thấy, không chỉ có sự cách biệt lớn về lượng phát thải carbon giữa các nước giàu và nước nghèo mà còn giữa tầng lớp giàu nghèo trong cùng quốc gia.
Trước thực trạng như vậy, nhóm vận động vì giao thông sạch hàng đầu của châu Âu đề xuất, đến năm 2030, các nhà quản lý chỉ nên cho phép máy bay tư nhân sử dụng năng lượng điện hoặc hydogen bay dưới 1.000km trong phạm vi châu Âu.
Các công ty có máy bay tư nhân lớn cần có trách nhiệm ký hợp đồng mua bán nhiên liệu sạch e-kerosene trên tất cả chuyến bay.
Trong thời gian đến khi lệnh cấm có hiệu lực, cần áp thêm thuế nhiên liệu đối với các máy bay tư nhân sử dụng động cơ đốt trong, tùy theo khoảng cách chuyến bay và trọng lượng máy bay. Qua đó, buộc các nhà tài phiệt phải chịu trách nhiệm vì tác động tiêu cực tới môi trường.
Tổ chức này đề xuất đánh thuế tương đương với mức thuế Thụy Điển đang áp dụng, ít nhất 300 euros. Từ đây, cơ quan quản lý có thể thu về hàng triệu euros và sử dụng để phát triển công nghệ hàng không mới.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền và vận động những người nổi tiếng thay đổi thói quen. Một số người nổi tiếng, chẳng hạn như ca sĩ Taylor Swift, đã thay đổi đáng kể hành vi sau khi bị chỉ đích danh liên quan tới việc thường xuyên sử dụng máy bay riêng gây phát thải lượng lớn carbon.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2022, máy bay riêng của nữ ca sĩ thực hiện trung bình khoảng 19 chuyến bay/tháng. Sau khi vấp phải ý kiến chỉ trích, số lượng chuyến bay riêng nữ ca sĩ thực hiện trung bình mỗi tháng giảm xuống còn khoảng hơn 2 chuyến.
Theo báo cáo mới đây của tổ chức Oxfam, lượng phát thải do hoạt động tiêu thụ của các tỷ phú thế giới lên tới hàng nghìn tấn CO2 mỗi năm.
Trong đó, hoạt động di chuyển, bao gồm di chuyển bằng du thuyền, máy bay riêng là yếu tố làm phát sinh lượng phát thải lớn nhất. Chỉ trong một giờ, máy bay tư nhân có thể phát thải 2 tấn CO2.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế, lượng phát thải CO2 tính trên đầu người tại khoảng 10 quốc gia vào năm 2021 cho thấy hoạt động của 10% những người giàu nhất tại nhiều nước làm phát thải lượng CO2 gấp 40 lần lượng phát thải từ hoạt động của 10% những người nghèo nhất tại cùng quốc gia đó.
P.V