Báo Giao thông trao giải cuộc thi viết "Ký ức về những con đường"

Thứ bẩy, 13/01/2024 09:12 GMT+7

Sau 2 năm phát động, cuộc thi đã thu hút hơn 100 tác phẩm của các tác giả trên mọi miền cả nước, trong đó có rất nhiều người là những cán bộ, kỹ sư, người lao động trực tiếp tại các công trường, dự án ngành GTVT.

Chiều 12/1, Báo Giao thông lần đầu tổ chức lễ trao giải "Ký ức về những con đường" sau 2 năm phát động cuộc thi. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã tới dự và trao giải Nhất cho tác giả.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn huyết mạch của nền kinh tế, ngành GTVT đã và đang triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều tuyến đường cao tốc lớn với mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km cao tốc năm 2025 và 5.000km năm 2030.

Báo Giao thông trao giải cuộc thi viết "Ký ức về những con đường"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trao giải cho tác giả Xuân Ba đạt giải Nhất

(Ảnh: Tạ Hải)

Để làm nên những con đường ấy, đã có hàng vạn kỹ sư, công nhân ngày đêm "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", thậm chí đánh đổi cả tính mạng để mở những con đường máu vào chiến trường. Tuy nhiên, những câu chuyện về các tuyến đường ấy không phải ai cũng nhớ, cũng biết, thậm chí bị lãng quên dần theo năm tháng.

Tiếp nối cuộc thi viết "Ký ức về những cây cầu" năm 2015 đã ghi dấu ấn và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của bạn đọc trong và ngoài ngành GTVT, để đánh thức, làm sống dậy những con đường, từ tháng 1/2022, Báo Giao thông phát động Cuộc thi viết "Ký ức về những con đường".

Cuộc thi là dịp để những người trong cuộc khắc họa lại chuyện hậu kỳ từ khi hình thành dự án, giai đoạn thi công - xây dựng, cho đến lúc hoàn thành đưa các tuyến đường vào khai thác, sử dụng; cùng đó là những câu chuyện hậu trường thú vị về các dự án giao thông, chân dung đội ngũ những người làm đường cần mẫn, dũng cảm, tài hoa.

Sau 2 năm phát động, cuộc thi đã thu hút hơn 100 tác phẩm của các tác giả trên mọi miền cả nước, trong đó có rất nhiều người là những cán bộ, kỹ sư, người lao động trực tiếp tại các công trường, dự án ngành GTVT. Qua sàng lọc và tuyển chọn, Báo Giao thông đã đăng tải hơn 90 tác phẩm trên chuyên mục "Ký ức về những con đường" trên báo giấy và báo điện tử.

Báo Giao thông trao giải cuộc thi viết "Ký ức về những con đường"- Ảnh 2.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT và bà Nguyễn Thị Hồng Nga,

Tổng biên tập Báo Giao thôngtrao giải cho các tác giả  đạt giải Nhì

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các tác phẩm tham dự cuộc thi được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, đúng chủ đề và có góc nhìn lôi cuốn bạn đọc thật sự về những con người, kỷ niệm, chuyện hậu kỳ trong quá trình làm nên những con đường; thông qua đó phát huy giá trị truyền thống "đi trước mở đường" của ngành GTVT, tri ân và tôn vinh những đóng góp quan trọng của các thế hệ làm đường qua các thời kỳ.

Đồng thời, sẻ chia và đồng cảm với bao khó khăn, vất vả, cực nhọc, cùng những hy sinh mà những người làm đường phải trải qua để góp phần mang lại sự tiện lợi trong giao thương cũng như từng bước thay đổi diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

Báo Giao thông trao giải cuộc thi viết "Ký ức về những con đường"- Ảnh 3.

Ông Đào Văn Tiến, Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ GTVT và ông Nguyễn Đức Thắng,

Phó tổng biên tập Báo Giao thông trao giải cho các tác giả đạt giải Ba (Ảnh: Tạ Hải).

Nổi bật như các tác phẩm: "Trèo núi, băng rừng làm đường sắt lên biên giới" của tác giả Vũ Phạm Chánh; "Kỳ tích gần 2 năm mở rộng gần 1.500km quốc lộ 1" của tác giả Nam Khánh; "Mưu trí giành quyền điều hành Fir Hồ Chí Minh" của tác giả Chu Đức Soàn; "Chuyện chưa kể làm cao tốc hiện đại nhất Việt Nam" của tác giả Nguyễn Ngọc Long; "Dò đá tìm đường" làm tuyến cao tốc đầu tiên của tác giả Trần Xuân Sanh; "Chuyện lấy đất làm đường lên… cổng trời "của tác giả Phạm Minh; "Xây tường chắn cát làm đường ven biển đẹp như tranh" của tác giả Vĩnh Phú.

Trong khi đó, cụm 2 bài viết về đường băng trong hồ Kẻ Gỗ của nhóm tác giả Sỹ Hòa - Nguyễn Đăng Quang được đánh giá cao về tính phát hiện và đề tài mới mẻ gần như chưa từng được khai thác trên mặt báo.

Từ câu chuyện của một cựu TNXP, tác giả Sỹ Hòa đã lật giở từng trang cuốn Lịch sử GTVT Hà Tĩnh mới biết: Đầu năm 1965, có 2 tuyến đường nối miền Bắc với chiến trường miền Nam chạy dọc trên đất Hà Tĩnh là QL1 và QL15. Dù đã bị nước nhấn chìm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nhưng công trình đường băng sân bay Li Bi và sự hy sinh của quân và dân ta là có thật.

Và rất bất ngờ, sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết "Có một đường băng sân bay dưới lòng hồ Kẻ Gỗ" với nhiều thông tin về một đường cất, hạ cánh được xây nên từ một đoạn của tuyến đường 22, ông Nguyễn Đăng Quang, nhân chứng sống về đường băng huyền thoại này đã gửi đến báo một bài viết đầy xúc động "Người trong cuộc kể chuyện làm đường băng trong hồ Kẻ Gỗ.

Ở tuổi 77, người kỹ sư trong đơn vị công binh, từng trực tiếp thi công đường băng này vẫn nhớ rành mạch đến từng chi tiết những tháng ngày hào hùng, khi ông cùng đồng đội làm đường băng Li Bi giữa làn mưa bom, bão đạn.

Báo Giao thông trao giải cuộc thi viết "Ký ức về những con đường"- Ảnh 4.

Ông Quách Xuân Vinh, Phó chủ tịch Công đoàn ngành GTVT và ông Nguyễn Đức Thắng,

Phó tổng biên tập Báo Giao thông trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích (Ảnh: Tạ Hải).

Ở một góc nhìn khác, tác phẩm "Khát vọng mở đường trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam" của nhóm phóng viên Báo Giao thông được đánh giá rất cao về sự dấn thân, nhiều ngày ăn cùng, ngủ cùng, sống cùng, ghi lại những câu chuyện hậu trường về cuộc sống rất đời thường, từ những bữa ăn, những giấc ngủ vội để kịp vào ca trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè, lạnh cắt da thịt của mùa đông; hay những căn bệnh khó nói, chỉ riêng có của những người làm giao thông, trên công trường cao tốc Bắc - Nam. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn quyết bám trụ công trường, dấn thân, nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Đặc biệt, được đánh giá cao về sự mới mẻ trong đề tài, cách thể hiện ấn tượng, nội dung giàu cảm xúc và truyền cảm hứng đến bạn đọc là tác phẩm: Con đường thời thương khó của tác giả Xuân Ba. Bằng sự dấn thân trực tiếp, lối kể chuyện cuốn hút, tác giả đã đưa bạn đọc đến những ngày tháng vô cùng gian khó của những năm thập niên 80 của thế kỷ trước khi Việt Nam giúp nước bạn Lào mở con đường chiến lược từ Xiêng Khoảng đi Nậm Cắn.

Chia sẻ của tác giả, để có thể tiếp cận các đơn vị thi công, nhóm công tác, trong đó chính ông phải mất 42 ngày đêm len lỏi, gập gềnh qua những cánh rừng Lào rậm rịt những muỗi và vắt. Và trong chuyến đi ấy, ông phải tận mắt chứng kiến không ít những câu chuyện bi hài: Không ít cô gái trẻ ở đây bị mắc căn bệnh lạ "éch-tơri’, cứ thấy trai lạ đến là gào thét và đuổi bắt bằng được. Nguyên nhân do các cô thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần hoặc do dồn nén về cảm xúc do ở lâu trong rừng thiêng nước độc nên mắc chứng tâm thần nhẹ. Rồi chuyện chị em tuổi 18-20 nhưng toàn phải dùng giấy báo thay giấy vệ sinh khi đến kỳ. Nghe và chứng kiến những chuyện này, không ai có thể cười nổi mà chỉ thương cảm nhiều hơn cho các chị.

Danh sách các tác phẩm đạt giải như sau:

1 Giải Nhất trị giá 25 triệu đồng:

Tác phẩm: Con đường thời thương khó – Tác giả Xuân Ba.

2 Giải Nhì, mỗi giải 15 triệu đồng:

Tác phẩm: Những mối tình chớm nở ngày mở đường Hạnh Phúc – Tác giả Vi Thị Thu Đam.

Tác phẩm: Khát vọng mở đường đại công trường cao tốc Bắc Nam – Tác giả: Nhóm PV Báo Giao thông.

3 Giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng:

Tác phẩm: Cụm 2 bài viết về đường băng trong hồ Kẻ Gỗ.

Bài 1: Có một đường băng sân bay dưới lòng hồ Kẻ Gỗ - Tác giả Sỹ Hòa.

Bài 2: Người trong cuộc kể chuyện làm đường băng trong hồ Kẻ Gỗ - Tác giả: Nguyễn Đăng Quang.

Tác phẩm: Trèo núi, băng rừng làm đường sắt lên biên giới – Tác giả: Vũ Phạm Chánh.

Tác phẩm: Kỳ tích gần 2 năm mở rộng gần 1.500km quốc lộ 1 – Tác giả: Nam Khánh.

5 Giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng:

Tác phẩm: Mưu trí giành quyền điều hành Fir Hồ Chí Minh – Tác giả: Chu Đức Soàn.

Tác phẩm: Chuyện chưa kể làm cao tốc hiện đại nhất Việt Nam – Tác giả: Nguyễn Ngọc Long

Tác phẩm: "Dò đá tìm đường" làm tuyến cao tốc đầu tiên – Tác giả: Trần Xuân Sanh.

Tác phẩm: Chuyện lấy đất làm đường lên… cổng trời - Tác giả: Phạm Minh.

Tác phẩm: Xây tường chắn cát làm đường ven biển đẹp như tranh – Tác giả: Vĩnh Phú.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)