Ưu tiên phát triển loạt bến thủy nội địa tại Đồng Tháp

Thứ năm, 15/02/2024 08:48 GMT+7

Tỉnh Đồng Tháp sẽ xem xét theo nhu cầu thực tế, điều chỉnh, phát triển thêm các cảng, bến hàng hóa, hành khách phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Đồng Tháp sẽ ưu tiên phát triển nhiều tuyến đường thủy nội địa.

Tỉnh Đồng Tháp quy hoạch phát triển hạ tầng đường thủy nội địa
để phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách

(Ảnh minh họa)

Trong đó, các tuyến giao thông đường thủy nội địa, khu bến cảng, khu neo đậu sẽ thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt, cũng như các kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Địa phương sẽ tăng cường năng lực vận tải thủy của các tuyến chính như tuyến TP.HCM - Đồng Tháp - Kiên Giang, tuyến Đồng Tháp - Tiền Giang; tuyến vận tải thủy kết nối với Vương quốc Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu.

Cùng đó, nâng cấp, bảo trì, phát triển và khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy địa phương. Phát triển, bảo đảm nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; bảo đảm nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và bảo đảm dự trữ nước cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy hoạch, ngoài 32 tuyến đường thủy quốc gia hiện có, sẽ có 6 tuyến đường thủy chuyển cho địa phương quản lý với tổng chiều dài 16km, gồm: Tuyến Rạch Lai Vung (bao gồm rạch Lai Vung, sông Hòa Long, kênh Phó Cửu, rạch Cái Sâu); Kênh Sa Rài (đoạn từ ngã ba sông Sở Hạ (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) đến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng); Kênh Phú Đức (đoạn từ kênh Sa Rài đến kênh Tháp Mười số 1); Kênh Bông Súng - kênh Cùng - Long Thắng (đoạn từ Sông Hậu (xã Hòa Tân, huyện Lai Vung) đến kênh Họa Đồ (xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc); Kênh Cần Thơ - Huyện Hàm (đoạn từ kênh Họa Đồ (xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc) đến kênh 26/3 (xã Tân Phú, huyện Châu Thành); Kênh Bình Thành 4 (đoạn từ kênh Tháp Mười số 1 đến kênh Kháng Chiến).

Tỉnh Đồng Tháp cũng định hướng xây dựng mới nhiều cảng, bến thủy nội địa phục vụ hàng hóa và hành khách.

Trong đó, xây dựng mới 6 bến, cảng thủy hàng hóa gồm cảng sông Sa Đéc (phục vụ cho tàu trọng tải khoảng 300 tấn), cảng Phong Hòa (phục vụ cho tàu 10.000 tấn), Hồng Ngự (phục vụ cho tàu 5.000 tấn), Tân Mỹ (phục vụ cho tàu 5.000 tấn), Cao Lãnh 3 (phục vụ cho tàu 5.000 tấn) và một số cảng khác.

Ngoài ra, địa phương cũng định hướng đầu tư xây dựng mới 5 cảng hành khách, dành cho các tàu có sức chở khoảng 100 – 250 ghế bao gồm cảng Cao Lãnh, Sa Đéc 1, Sa Đéc 2, Cảng Hồng Ngự và một số cảng khác.

Quy hoạch lưu ý tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

Ngoài các dự án đã được quy hoạch, sẽ xem xét theo nhu cầu thực tế, điều chỉnh, phát triển thêm các cảng, bến hàng hóa, hành khách phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan và quy hoạch chuyên ngành của địa phương để thực hiện./.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)