Phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực hồ Cửa Đạt (Thường Xuân)
từng bước chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy
Theo thống kê của huyện Thường Xuân, trên khu vực hồ Cửa Đạt có khoảng 60 phương tiện thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản và chở khách du lịch tham quan. Để đảm bảo trật tự giao thông trên khu vực lòng hồ Cửa Đạt, Ban ATGT huyện Thường Xuân thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn Xuân Liên rà soát, kiểm tra các thủ tục hành chính về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật phương tiện... Đồng thời, tuyên truyền cho các chủ phương tiện đang hoạt động trong khu vực hồ Cửa Đạt, yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT đường thủy và nghiêm cấm chở quá số lượng người trên thuyền.
Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt (Thường Xuân) Nguyễn Văn Sinh cho biết: Hiện công ty đang vận hành khai thác tàu du lịch được cấp phép chở từ 12 đến 28 người tham quan hồ Cửa Đạt. Để bảo đảm an toàn cho du khách, hàng năm công ty thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động và thực hiện đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Ngoài ra, công ty trang bị áo phao, dụng cụ nổi trên tàu và các trang thiết bị hàng hải theo quy định. Mỗi khi tàu xuất bến, tất cả du khách bắt buộc phải mặc áo phao trên suốt hành trình cho đến khi về bến an toàn. Không chở quá số người theo quy định, từ chối vận chuyển đối với hành khách không chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy. Ngoài ra, công ty chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch vận chuyển hành khách một cách an toàn.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn hiện có 900 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên các tuyến sông và các hồ lớn ở các địa phương trong tỉnh. Đến tháng 4/2024 tổng số phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được đăng ký, đăng kiểm là 585 phương tiện, đạt tỷ lệ 65%. Thời gian qua, ngành giao thông - vận tải cùng đơn vị có liên quan và các địa phương đã triển khai các biện pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Thường xuyên phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất về đảm bảo ATGT đường thủy trên các tuyến sông, suối, hồ, đập. Nhất là kiểm tra đối với hoạt động của các bến khách ngang sông, bến chở khách du lịch trong mùa mưa bão.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện thủy nội địa chở khách ngang sông, dọc sông, trên hồ đập và các tuyến từ bờ ra đảo. Các đơn vị quản lý đường thủy nội địa cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh kịp thời hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa phù hợp với tình hình thực tế luồng lạch tại khu vực. Hàng năm, thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống báo hiệu thông báo, dẫn luồng tại các khu vực cầu vượt sông, đảm bảo mầu sắc và ánh sáng của báo hiệu. Những vị trí khu vực nguy hiểm, mất ATGT đường thủy nội địa, các đơn vị cảnh báo các phương tiện chống va trôi và điều tiết khống chế đảm bảo giao thông đường thủy luôn thông suốt. Thường xuyên theo dõi thủy văn, thông báo luồng, trường hợp có diễn biến bất thường, kịp thời thông báo đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường thủy nội địa và hướng dẫn các biện pháp phòng, ngừa, cảnh báo nguy hiểm để bảo đảm ATGT đường thủy.
Nhờ triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATGT, nên tình hình trật tự, ATGT các tuyến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đảm bảo, tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch đi lại an toàn.
Để quản lý chặt chẽ các phương tiện tham gia giao thông đường thủy, theo Ban ATGT tỉnh trong thời gian tới đơn vị phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức kiểm tra các phương tiện hoạt động phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm an toàn kỹ thuật. Trên các phương tiện trang bị đầy đủ dụng cụ nổi cứu sinh, áo phao, dụng cụ cứu hỏa theo đúng quy định. Thuyền viên, người lái phương tiện phải có bằng, chứng chỉ khả năng chuyên môn phù hợp; hướng dẫn hành khách mặc, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi trên phương tiện thủy nội địa.
Theo Báo Thanh Hóa