Xe gắn máy chở cồng kềnh không đảm bảo an toàn giao thông
Phối hợp tuyên truyền
Hàng năm, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp vận động người dân ký cam kết xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có tiêu chí (TC) không vi phạm khi tham gia giao thông. Việc cam kết gắn với TC bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xây dựng khu dân cư đảm bảo ATGT. Đến nay, có 100% ấp, khu phố phát động và cho hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa lồng ghép việc cam kết đảm bảo ATGT. Kết quả, hàng năm có trên 95% hộ gia đình không vi phạm quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Vận động ký cam kết trách nhiệm giữa các thành viên Ban Công tác Mặt trận ở ấp, khu phố trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền đến cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, nhân dân và các tín đồ tôn giáo về ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) xã hội, ATGT với thông điệp “ATGT - Bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động, phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình điển hình như: “Xóm đạo bình yên” ấp Long Huê (Long Thới, Chợ Lách), họ đạo an toàn về ANTT và ATGT ở Họ đạo Hàm Luông (Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc), tuyến đường ATGT, tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn, tổ tự quản ATTT, đảm bảo ATGT… MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh phối hợp với ngành chức năng thành lập mới và duy trì có hiệu quả 758 mô hình bảo đảm ATGT.
Ngoài ra còn phối hợp với Công an tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai xây dựng 7 ấp đạt an toàn về ANTT trong nhân dân và đồng bào có đạo nhằm mục đích phát huy vai trò nòng cốt của các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các TC về ấp ANTT theo quyết định của UBND tỉnh...
Vận động xây dựng giao thông nông thôn
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình giao thông như: Phối hợp tổ chức thực hiện “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” với việc làm cụ thể là phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh các tuyến đường, nâng cấp và sửa chữa đường giao thông nông thôn, trồng và chăm sóc hoa, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, gắn bóng đèn thắp sáng tuyến đường nông thôn vận động đăng ký thu gom, rác tập trung, phân loại rác tại nguồn…
Hàng năm, có trên 177.522 lượt người tham gia; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, xây dựng các công trình giao thông nông thôn, bơm cát, san lấp mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trong mùa mưa. Từ năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động và được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động quy ra tiền trên 5.422,8 tỷ đồng; đồng thời, ủng hộ kinh phí xây dựng, cải tạo nâng cấp 987.935km đường, 2.892 cây cầu giao thông nông thôn.
Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Ban ATGT cùng cấp cử người tham gia công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ và các hành vi vi phạm hành lang lộ giới trong các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó, đã nhắc nhở các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; lập biên bản cam kết không tái phạm.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, đô thị góp phần đảm bảo trật tự ATGT, mỹ quan đô thị trên các tuyến đường, nhất là tại các khu vực trung tâm thành phố, thị trấn trong các đợt cao điểm lễ, Tết. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT với 254 cuộc, từ đó kịp thời nắm bắt, phát hiện, kiến nghị điều chỉnh những nội dung thiếu sót, chưa phù hợp với các quy định, giúp cấp ủy, chính quyền tiếp thu nhiều ý kiến sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và phát huy tính dân chủ, đồng thuận trong nhân dân.
Nguồn: Báo Đồng khởi