Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1,
Phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái kiểm tra các xe ô tô
kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới. Theo Kế hoạch, có 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT. Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang ATGT. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT.
Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Khắc phục kịp thời các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý vận tải, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế... để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm TTATGT, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác đảm bảo TTATGT bảo đảm thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.