Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2024 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 23/CT-TTg), Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
Kế hoạch nhằm đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới. Các cơ quan, đơn vị, công chức người lao động toàn ngành GTVT quán triệt các mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông, tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông hàng năm ở mức từ 5% đến 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch gồm:
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Thực hiện đầy đủ, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải.
Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT1 ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về con người để xây dựng các văn bản quy phạp pháp luật quy định chi tiết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đã được Quốc hội ban hành.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trong lĩnh vực vận tải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông trong lĩnh vực vận tải, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, lực lượng chức năng đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, công tác quản lý nhà nước về vận tải, kinh doanh và điều kiện kinh doanh lĩnh vực vận tải đường bộ theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn và tình hình thực tế tại địa phương.
Hoàn thiện các văn bản quy phạp pháp luật quy định chi tiết Luật Đường bộ, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện các văn bản quy phạp pháp luật quy định chi tiết Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành vận tải, phương tiện người lái và kiểm soát tải trọng; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng…
Các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình trong Phụ lục kèm theo Kế hoạch này; Bố trí, huy động các nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để thực hiện tốt Kế hoạch này; Báo cáo định kỳ hàng năm, hoặc đột xuất tình hình thực hiện Kế hoạch và các vướng mắc phát sinh về Bộ GTVT để tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Vận tải phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm, hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý khẩn trương triển khai, thực hiện./.