Phát triển giao thông xanh để xanh hóa đô thị

Thứ ba, 01/10/2024 09:01 GMT+7

TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình huy động nguồn lực, quyết tâm "phủ xanh" hệ thống giao thông, đô thị thân thiện với môi trường. Việc làm này nhằm tạo bước đột phá, góp phần giải quyết bài toán hóc búa ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Hiểu một cách giản dị nhất, thúc đẩy đô thị xanh là mục tiêu thiết thực để hạn chế, thậm chí là loại bỏ vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã tồn đọng sâu trong lòng TP Hồ Chí Minh. Trong đó có các hạng mục làm xanh như: Không gian, cảnh quan đô thị; các công trình văn hóa, lịch sử; giao thông, công nghiệp... qua đó đòi hỏi việc ứng dụng các giải pháp về hệ thống hạ tầng xanh phải được thực hiện đúng cách, khoa học. Vì vậy, thúc đẩy giao thông xanh chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa đô thị xanh. Việc này giúp làm giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm nguồn hấp thụ khí thải; giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ứng phó hiệu quả với thiên tai; giúp quản lý hiệu quả tài nguyên khai thác từ tự nhiên... nâng cao chất lượng sống xanh.

Phát triển giao thông xanh để xanh hóa đô thị

Xe buýt điện của VinFast được nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh
lựa chọn khi tham gia giao thông công cộng. 

Vừa qua, tại Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, thống kê đến cuối năm 2023, thành phố hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn, ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Được biết, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị số 27-CT/TU và ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND đặt ra nhiệm vụ: Thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông bằng hình thức khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới, sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Để bắt kịp xu hướng thời đại, TP Hồ Chí Minh chú trọng phát triển giao thông xanh qua hình thức như đầu tư, sử dụng xe điện, xe buýt sạch; trong đó, thành phố đề ra lộ trình đến năm 2030 toàn bộ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; giai đoạn 2025-2030 dự kiến đưa 2.849 xe buýt có năng lượng xanh vào sử dụng. PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nhận định, việc phủ xanh giao thông tại TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Để làm được điều này, thành phố nên bắt đầu chuyển đổi xanh từ các dòng xe buýt, taxi, xe của cơ quan nhà nước rồi đến xe cá nhân. Trong đó, việc chuyển đổi xe buýt điện phải được ưu tiên triển khai bài bản, bảo đảm tính hiệu quả.

Hưởng ứng giao thông xanh, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong nước cũng thúc đẩy thị trường taxi xanh như Tập đoàn Vingroup hay Tập đoàn Mai Linh... Ví dụ, nếu như người dân đã quen thuộc với thương hiệu Xanh SM, VinBus... thì Mai Linh cũng đang chuyển dần các xe taxi truyền thống sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang dòng xe hybird (xăng, điện) và cụ thể đã đặt mục tiêu đầu tư mới 1.000 chiếc dòng xe hybird, bắt đầu từ năm 2024; nhằm bảo vệ, thân thiện với môi trường, giảm tải khí thải CO2.

 Việc TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp trên địa bàn đang thành công trong việc xây dựng, áp dụng giao thông xanh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, đồng thời đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, bởi thiện cảm có được từ sự tin cậy và cởi mở của người dân.

Theo Báo QĐND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)