Cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra tuyến đường bị thiệt hại do mưa bão
Do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Mường Nhé đã bị sạt lở, nền, mặt đường bị lún sụt... ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và phương tiện. Theo thống kê, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn huyện có 18 tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Trong đó, các tuyến đường có khối lượng sụt sạt lớn như: Tuyến đường từ xã Quảng Lâm đến bản Huổi Lụ (xã Pá Mỳ); xã Quảng Lâm đi xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); bản Nậm Pố (xã Mường Nhé) đi xã Nậm Vì; tuyến đường từ xã Nậm Kè đi xã Pá Mỳ… Trao đổi về những thiệt hại liên quan đến hạ tầng giao thông trên địa bàn, ông Ðàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Từ tháng 7/2024, trên địa bàn huyện Mường Nhé xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây sạt lở các tuyến giao thông với khối lượng lớn. Phòng đã tổ chức đảm bảo giao thông bước một để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thi công hoàn trả nền, mặt đường, khắc phục các công trình thoát nước và hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt. Theo đó, kinh phí để khắc phục các tuyến giao thông trên địa bàn huyện khoảng 60 tỷ đồng.
Giống như huyện Mường Nhé, mùa mưa bão vừa qua, huyện Điện Biên Đông cũng bị thiệt hại một số tuyến đường giao thông. Để đảm bảo giao thông sau mùa mưa bão, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã đi kiểm tra, xác minh, ước thiệt hại khoảng 19 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí khắc phục hạn chế nên trước mắt, Phòng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan huy động máy móc, phương tiện tổ chức hót sụt sạt, khắc phục sự cố giao thông. Trong đó, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã huy động lực lượng tại chỗ tiến hành hót sụt sạt. Ðồng thời huy động máy móc, phương tiện của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tạm thời khắc phục, thông đường đối với các tuyến có khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nhằm đảm bảo lưu thông cho người dân.
Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện sau mùa mưa gặp khó khăn do lượng đất đá sụt sạt lớn. Nhiều công trình giao thông bị thiệt hại, nhưng vì nguồn kinh phí khắc phục cấp cho huyện hạn hẹp nên chưa thể khắc phục triệt để. Vậy nên, đối với các điểm sạt lở nhỏ, Phòng tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ tiến hành hót sụt sạt để thông đường. Ðối với những điểm có khối lượng đất đá lớn, yêu cầu các đơn vị đảm bảo giao thông huy động máy móc, phương tiện khắc phục để thông đường bước một, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn.
Không chỉ các tuyến đường cấp huyện, đợt mưa bão vừa qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn. Được biết, hiện nay Sở GTVT Điện Biên được giao quản lý trên 916km đường bộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 6 tuyến quốc lộ (hơn 610km) và 10 tuyến đường tỉnh (301,4km). Sau cơn bão số 3, một số tuyến đường do sở quản lý xảy ra tình trạng sụt trượt, sạt lở bùn, đất đá từ ta luy dương xuống nền, mặt đường, công trình thoát nước với khối lượng lớn. Thậm chí, nhiều điểm còn xảy ra sạt lở đất đá lấp phủ toàn bộ nền, mặt đường hoặc lún sụt lấn sâu vào đường; gây thiệt hại trên 19 tỷ đồng. Còn đối với các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT, Cục Đường bộ uỷ quyền cho Sở quản lý cũng bị hơn 125.000m3 bùn, đất đá sạt ta luy dương xuống đường; 13.683m3 bùn, đất đá lấp tắc cống, rãnh; sạt lở ta luy âm khoảng 526m; mặt đường bị hư hỏng, sình lún khoảng 116m2… thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Các tuyến đường tỉnh được UBND tỉnh giao quản lý cũng bị sạt ta luy dương khoảng 58.461m3 bùn, đất đá xuống đường; khối lượng lớn đất, đá lấp tắc cống, rãnh và mặt đường bị hư hỏng khoảng 2.220m2; ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.
Huyện Mường Nhé huy động máy móc hót sụt sạt trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết: Trước tình hình thiệt hại nói trên, Sở đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ GTVT, UBND tỉnh) ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại một số vị trí. Đồng thời chủ động, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành huy động tối đa máy móc vật tư, nhân lực tại chỗ thực hiện công tác đảm bảo giao thông bước một. Với những thiệt hại xảy ra, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ có sự chủ động của ngành và các đơn vị, đến nay các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục hậu quả sau mưa bão, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi cho người dân và phương tiện.
Việc đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến đường huyết mạch là nhiệm vụ hàng đầu. Vậy nên dù nguồn kinh phí còn hạn chế, song ngành GTVT, chính quyền địa phương cũng cần nhanh chóng tập trung các giải pháp sửa chữa, nâng cấp các tuyến giao thông. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Điện Biên phủ