Thống nhất điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành giai đoạn 1
Theo Hội đồng thẩm định nhà nước, Dự án Cảng HKQT Long Thành là dự án đầu tư công, đã được Quốc hội khóa 13 quyết định chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa 14 thông qua một số nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án giai đoạn 1 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án giai đoạn 1.
Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành đang thực hiện giai đoạn 1
xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) và 1 nhà ga hành khách cùng
các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm
Do vậy, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh Báo cáo NCKT dự án giai đoạn 1 thực hiện theo quy định pháp luật về Đầu tư công.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ điều chỉnh 3 nội dung chính gồm: Điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng đường CHC số 3 của dự án từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1; Điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến cuối năm 2026; Cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 về các nội dung thay đổi nêu trên.
|
Dự án đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 1, Bộ GTVT đã đề nghị điều chỉnh 3 nội dung. Đề xuất này không thuộc diện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, các nội dung đề xuất điều chỉnh dự án giai đoạn 1 của Bộ GTVT thay đổi so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và Nghị quyết số 95/2019/QH14.
Do đó, Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng, việc Bộ GTVT đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 94 và Nghị quyết số 95 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án giai đoạn 1 điều chỉnh là có cơ sở.
Thẩm quyền xem xét, quyết định các nội dung điều chỉnh các Nghị quyết nêu trên thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hội đồng thẩm định Nhà nước thống nhất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số nội dung của hai Nghị quyết theo trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, thời điểm trình chủ trương đầu tư dự án, nguồn vốn để đầu tư giai đoạn 1 còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết nghị giai đoạn 1 chỉ đầu tư xây dựng 1 đường CHC tại khu vực phía Bắc của cảng.
Quá trình triển khai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận thấy việc xây dựng ngay đường CHC số 3 bên cạnh và cách đường CHC số 1 đang đầu tư 400m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Cảng HKQT Long Thành.
Việc đầu tư ngay đường CHC số 3 trong giai đoạn 1 phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có những thuận lợi như mặt bằng đã được giải phóng, nền đường đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế, tiết kiệm chi phí xây dựng, nguồn vốn đã được ACV thu xếp do vẫn nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt.
Cùng đó, việc có thêm đường CHC số 3 cũng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.
Cho biết Báo cáo NCTKT dự án điều chỉnh của Bộ GTVT đã đánh giá, làm rõ sự phù hợp việc bổ sung đường CHC số 3 tương ứng với quy mô khai thác của nhà ga, việc điều chỉnh không ảnh hưởng tới quy mô tổng thể của dự án mà chỉ làm thay đổi quy mô giai đoạn 1, Hội đồng TĐNN đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố nhằm bảo đảm việc đề xuất điều chỉnh dự án giai đoạn 1 bảo đảm hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan dẫn tới cần phải điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến năm 2026. Thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT và ACV chịu trách nhiệm về các nội dung nhận định, đánh giá về sự cần thiết điều chỉnh và các nội dung liên quan theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, tại Báo cáo NCTKT dự án điều chỉnh, Bộ GTVT đã phân tích thêm vấn đề đảm bảo tính đồng bộ, tương thích của cả hệ thống. Công nghệ áp dụng cho đường CHC số 3 được đề xuất tương tự như công nghệ áp dụng cho đường CHC số 1 đã được phê duyệt bước thiết kế cơ sở, đảm bảo đáp ứng các quy định về công nghệ áp dụng đã được quyết nghị tại Nghị quyết số 94.
Với vấn đề này, Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT, ACV tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng cho hạng mục bổ sung đảm bảo theo các tiêu chuẩn, khuyến cáo trong nước và quốc tế đối với việc thiết kế, xây dựng đường CHC.
Đảm bảo xác định đúng tổng mức đầu tư, tránh thất thoát
Liên quan tới tổng mức đầu tư, theo các báo cáo của Bộ GTVT, việc bổ sung thêm đường CHC số 3 ở phía Bắc vào giai đoạn 1 dự kiến không phát sinh vượt tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 – giai đoạn 1 Cảng HKQT Long Thành. Do vậy, không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1, cũng như không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội quyết nghị.
Cụ thể, Bộ GTVT dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư đường CHC số 3 là 3.304 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng 2.245 tỷ đồng, chi phí thiết bị 368 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 261 tỷ đồng, chi phí dự phòng 430 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không đưa vào cơ cấu sơ bộ do mặt bằng khu vực công trình đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao cho ACV để tổ chức san nền.
Về vấn đề này, Hội đồng TĐNN yêu cầu Bộ GTVT và ACV chịu trách nhiệm rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất hạ cánh số 3 theo quy định pháp luật.
Cùng đó đó, tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ và đầy đủ các yếu tố bảo đảm xác định tổng mức đầu tư dự án tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư và tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Đối với đề xuất nguồn vốn để đầu tư đường CHC số 3 từ nguồn tiết kiệm trong quá trình triển khai Dự án thành phần 3 – giai đoạn 1 của Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đề nghị chỉ đạo ACV chịu trách nhiệm huy động đủ nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Cũng tại Báo cáo NCTKT dự án điều chỉnh, Bộ GTVT cho biết sau khi CHKQT Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác, ACV dự kiến được cấp phép là doanh nghiệp cảng hàng không, là nhà khai thác cảng hàng không, có trách nhiệm trực tiếp khai thác sân bay, chịu trách nhiệm đảm bảo toàn bộ các hoạt động khai thác, an ninh, an toàn tại sân bay.
Bộ GTVT đã xây dựng và hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Đề án cũng định hướng giao ACV tiếp tục quản lý, đầu tư, khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn, quan trọng. Việc ACV được đề xuất tiếp tục là chủ đầu tư với hạng mục bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý, vận hành, khai thác của cảng, phù hợp với định hướng chung theo đề án.
Đánh giá Báo cáo NCTKT điều chỉnh dự án của Bộ GTVT đã có đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, Hội đồng TĐNN đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các thông tin, số liệu cung cấp và các nội dung giải trình theo quy định của pháp luật.
Hội đồng TĐNN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, thông qua điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 94 và Nghị quyết số 95 theo đề nghị của Bộ GTVT.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhằm xây dựng cảng hàng không đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án CHKQT Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Tại Nghị quyết số 95/2019/QH14, Quốc hội đã cho phép bổ sung 2 tuyến giao thông đường bộ kết nối vào dự án. Cụ thể, tuyến số 01 nối với Quốc lộ 51; tuyến số 02 nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây.
Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường CHC cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
|