Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT)
là một trong những tiêu chí quan trọng mà các địa phương phải hoàn thành.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động tối đa nguồn lực và phát huy phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để phát triển hệ thống GTNT. Qua đó, các địa phương trong tỉnh đã mở rộng 21,45 km nền, mặt đường bê tông xi măng; mở mới 40,27 km đường đất; mở rộng nền 40,86 km đường đất, xây dựng 357 công trình thoát nước.
Trong đó, thực hiện Đề án phát triển GTNT, toàn tỉnh đã kiên cố hóa gần 357 km và mở rộng 21,45 km nền, mặt đường bê tông xi măng; mở mới 40,27 km và mở rộng nền 40,86 km đường đất đồng thời xây dựng 263 công trình thoát nước.
Theo cơ chế hỗ trợ của Đề án phát triển GTNT, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 4,14 km mặt đường bê tông xi măng và xây dựng 2 công trình thoát nước. Thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án khác đã kiên cố hoá được trên 57 km mặt đường bê tông xi măng; xây dựng 92 công trình thoát nước.
Tổng kinh phí xây dựng các công trình GTNT đến nay đạt trên 546 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các công trình theo Đề án phát triển GTNT là trên 266 tỷ đồng, từ các nguồn vốn khác 7,32 tỷ đồng và từ nguồn vốn lồng ghép của các chương trình dự án khác trên 272 tỷ đồng.
Đẩy mạnh kiên cố hóa giúp tỷ lệ đường GTNT trên địa bàn tỉnh được nhựa, bê tông hóa ngày càng cao, giúp người dân đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi. Người dân đồng thuận hiến đất làm đường giúp phong trào làm đường giao thông ngày càng lan tỏa, phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu kiên cố hóa đường GTNT theo mục tiêu Đề án đã đề ra, nâng tổng số chiều dài đường GTNT được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh lên trên 5.860 km/7.863 km, đạt 75%. Dự kiến đến năm 2030, Yên Bái sẽ hoàn thành kiên cố hóa 100% hệ thống đường GTNT trên địa bàn.
Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.