Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh thuyết trình Dự án
tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD, tổng chiều dài gần 400km. Tuyến đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Dự kiến tuyến đường sắt này sẽ được khởi công cuối năm 2025, hoàn thành cuối năm 2030.
Trong chuyến thực địa, Thủ tướng khảo sát tại điểm kết nối với đường sắt từ Trung Quốc và dự kiến xây dựng ga Lào Cai. Thủ tướng yêu cầu để đạt mục tiêu đồng loạt khởi công dự án vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ dự án, đặc biệt là về chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách... để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, đây là dự án quan trọng, cần triển khai sớm, nên thủ tục cũng cần được rút gọn. Đồng thời việc chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công cũng cần nghiên cứu theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu nhằm đảm bảo dự án được triển khai nhanh nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể và không bám theo hướng tuyến cũ; điều chỉnh số lượng và vị trí các ga hàng hóa, ga hành khách phù hợp, đảm bảo khai thác hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án đường sắt
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Lào Cai
Cùng với đó, thiết kế vận tốc chạy tàu và khổ đường ray đảm bảo kết nối thuận lợi, đồng bộ với tuyến đường sắt phía Trung Quốc. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với nước bạn để triển khai đồng bộ, đảm bảo việc kết nối thuận lợi đường sắt Việt Nam và Trung Quốc.
Với yêu cầu phải có "tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", Thủ tướng Chính phủ lưu ý cùng với hoàn thiện dự án đường sắt, các bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng các khu logistics, kho bãi dịch vụ, khu thương mại tự do, đô thị... để khai thác tối đa hiệu quả tuyến đường sắt. Trong đó, nghiên cứu cơ chế để thu hút đầu tư vào các hạng mục thành phần như các nhà ga, khu dịch vụ, logictics.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT lập Tổ công tác chuyên trách, do một Thứ trưởng phụ trách triển khai dự án. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai dự án, nếu có những vấn đề vướng mắc, phát sinh thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết.