Tuyến sông Hồng có chiều dài 40 km qua địa phận thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân với luồng lạch khá ổn định và thường xuyên được nạo vét bảo đảm độ sâu dưới 1,8 m. Tuyến sông Đáy có chiều dài 50 km từ thị xã Kim Bảng qua thành phố Phủ Lý đến huyện Thanh Liêm. Riêng tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý với các tuyến: sông Nhuệ, sông Duy Tiên, sông Sắt và sông Châu đoạn từ thị trấn Vĩnh Trụ đến trạm bơm Hữu Bị (Lý Nhân) có chiều dài khoảng 79 km. Từ thực tế hoạt động hiệu quả của các tuyến đường sông đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy trong và ngoài khu vực.
Theo quy hoạch cảng thủy nội địa phía Bắc được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 1112/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 và các văn bản của Bộ GTVT chấp thuận đơn lẻ, trên địa bàn tỉnh được xây dựng 18 cảng. Trong đó, 4 cảng ở sông Hồng được quy hoạch cảng phục vụ tuyến vận tải sông pha biển, bốc xếp container, các loại hàng hóa có trọng tải lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, thời gian qua, một số cảng đã được doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 đến trên 3.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thái Hà, cho biết: Từ tháng 7/2023 tại xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân, công ty đã chính thức đưa vào khai thác cảng Thái Hà, kết nối giữa Hà Nam với tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Đây là khu vực nằm ngoài phía hạ lưu của cầu Thái Hà ra cửa biển Ba Lạt, nơi có cốt luồng sâu và thủy diện rộng bảo đảm cho các tàu biển, tàu pha sông biển ra vào bốc xếp hàng hóa thuận lợi. Giai đoạn I, cảng có diện tích 9,3 ha với chiều dài cầu tàu 750 m được bố trí 4 cầu tàu có thể tiếp đón được tàu biển với tải trọng 3.500 tấn. Cảng đưa vào khai thác không chỉ thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng hóa của tỉnh mà còn giảm chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Tuyến đường thủy sông Hồng đoạn qua huyện Lý Nhân có nhiều bến cảng
tạo điều kiện thuận lợi cho tập kết, bốc xếp, trung chuyển hàng hóa.
Cùng với các cảng được quy hoạch và xây dựng trên các tuyến sông, ngành chức năng đã cấp phép cho 11 bến hàng hóa đủ điều kiện nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn. Trong đó, tại sông Hồng có 7 bến và sông Đáy là 4 bến. Ngoài ra, các tuyến sông duy trì hoạt động của 5 bến khách ngang sông đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đối với các bến hàng hóa trên sông Hồng hiện tại đã tiếp nhận cỡ tàu loại từ 500 – 1.000 tấn. Ông Lê Văn Khá, phụ trách bến cát của Công ty TNHH Tuấn Kha (Lý Nhân) cho biết: Những năm qua, bến luôn chấp hành đầy đủ các quy định về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đơn vị đã ký kết với ngành chức năng không bốc xúc, vận chuyển hàng hóa vượt quá tải trọng; thường xuyên bơm tưới nước trong khu vực bến và các tuyến đường không để bụi phát tán ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hoạt động của bến đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp kịp thời nguồn cát phục vụ xây dựng dân dụng, đặc biệt là cát san lấp các khu đô thị, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.
Còn trên tuyến sông Đáy đã quy hoạch 14 cảng bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cảng phục vụ bốc xếp hàng hóa với các loại phương tiện như: xà lan, tàu thuyền chuyên chở vật liệu xây dựng, xi măng, xăng dầu, than. Đáng chú ý, việc xây dựng cảng dùng chung đã hạn chế được cầu cảng tự phát trên sông; đồng thời, giảm giá thành chi phí đầu vào cho doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh những lợi thế về mạng lưới giao thông đường thủy, theo đánh giá của các ngành chức năng về hiện trạng kết cấu hạ tầng, đặc biệt các tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số đoạn tuyến đường sông tàu khó lưu thông do chưa được khai thông luồng lạch, mực nước thấp và vướng đập thủy lợi. Tại một số đoạn luồng tuyến trên sông Đáy, sông Châu Giang có công trình vượt sông chưa được cải tạo đồng bộ như: cầu vượt đường sắt Bắc – Nam và cầu đường bộ (cầu Phủ Lý trên quốc lộ 1A) có cao độ đáy dầm thấp vì thế làm giảm khả năng lưu thông của tuyến sông Châu nối sông Hồng với sông Đáy. Ngoài ra, mực nước bình quân trên các tuyến sông Châu, sông Nhuệ thường xuyên ở mức từ 2,8 – 3 m, khó khăn cho các tàu có trọng tải lớn ra vào và ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của các phương tiện, nhất là vào mùa khô. Bên cạnh đó, các bến cảng hàng hóa có quy mô, công suất nhỏ, không đáp ứng được khối lượng hàng hóa và tàu thuyền lớn.
Ở một số bến rót vật liệu xây dựng trên sông Đáy, quá trình hoạt động còn ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan dọc hai bên sông và gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Một số cảng có hệ thống hạ tầng như: sân bãi, khu vực xuất nhập hàng còn hạn chế, hoạt động chưa phục vụ mục tiêu cảng dùng chung và việc kết nối với đường bộ còn nhiều bất cập. Đặc biệt có những cảng, bến thủy mặc dù được Cục đường thủy nội địa cấp phép nhưng hoạt động không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, không có khả năng kết nối hạ tầng. Thêm nữa, xuất hiện một số bến thủy hình thành tự phát theo yêu cầu của các tuyến vận tải khai thác vật liệu xây dựng của doanh nghiệp. Việc bốc xếp hàng hóa tại hầu hết các bến chủ yếu bằng thủ công và băng tải, cầu chuyên dùng nên việc giải phóng tàu còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, một số đơn vị được cấp phép nhưng quá trình xây dựng cảng, bến bãi thực hiện còn chậm. Một số cụm cảng còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục đánh giá tác động môi trường...
Từ lợi thế trong phát triển giao thông đường thủy có thể khẳng định việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy, xây dựng cầu cảng dùng chung, bến thủy nội địa trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Vì vậy, để tiếp tục phát huy lợi thế về mạng lưới giao thông đường thủy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác tiềm năng của các tuyến đường sông nhằm thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ, góp phần đẩy mạnh hoạt động vận tải đường thủy trên địa bàn./.