Xe đạp – tại sao không?

Thứ năm, 18/01/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mỗi tháng có hơn 1000 người chết và hơn 1500 người bị thương. Những con số thiệt hại do tai nạn giao thông trong thời bình tương đương với những thương vong của một đất nước trong thời kỳ chiến tranh. Tai nạn giao thông đang trở thành thảm họa
Mỗi tháng có hơn 1000 người chết và hơn 1500 người bị thương. Những con số thiệt hại do tai nạn giao thông trong thời bình tương đương với những thương vong của một đất nước trong thời kỳ chiến tranh. Tai nạn giao thông đang trở thành thảm họa, không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn luôn đe dọa, rình rập tính mạng của mỗi người dân. Câu hỏi được đặt ra là tại sao khi Nhà nước bỏ ra hàng tỷ đồng để cải thiện nâng cấp hệ thống đường xá và người dân đã mua sắm được nhiều ô tô xe máy hiện đại và đắt tiền để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thông có vẻ ngày càng thuận tiện hơn nhưng số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông không giảm mà ngược lại đang ngày càng tăng lên?

 

 

Nhìn lại bức tranh giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, phải thừa nhận một điều là hiện có quá nhiều ô tô, xe máy trên đường, mà như chúng ta đã biết, những vụ tai nạn có liên quan đến các phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy thường để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong số 115 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng trên cả nước từ đầu năm đến nay, 52% số vụ do xe máy gây ra và 48% số vụ do ô tô gây ra.  Chính vì vậy, để giảm bớt số người bị thương và chết vì tai nạn giao thông cần phải giảm bớt số ô tô xe máy lưu thông trên đường và thay vào đó chúng ta có thể khuyến khích người dân quay trở lại với phương tiện giao thông quen thuộc vốn được yêu thích một thời, đó là xe đạp.

 

Với đặc tính của xe đạp là cơ động, nhỏ gọn. thân thiện với môi trường và có mức độ an toàn cao, việc khuyến khích người dân đi xe đạp thay vì đi xe máy và ô tô có thể cùng lúc giải quyết được rất nhiều vấn đề nóng đang làm đau đầu các nhà quản lý đô thị hiện nay: chống tắc đường, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiếm khói bụi, tiếng ồn, và giải quyết được việc thiếu bãi đỗ xe ô tô, xe máy. Hơn thế nữa việc đạp xe cũng là một cách tập thể dục và rất phù hợp với tình hình giá xăng dầu ngày càng lên như hiện nay.

 

Giảm bớt các phương tiện giao thông cơ giới để giảm bớt tai nạn giao thông không phải là sáng kiến mới mà đã được thực hiện thành công ở nhiều nước và được cho là một giải pháp giao thông rất phù hợp với các nước đang phát triển. Bởi vì ở nhiều nước, người ta đã xác định rằng việc phát triển quá nhiều phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy mới chính là nguyên nhân của việc gia tăng tai nạn giao thông. Như ở Mỹ, hàng ngày báo chí Mỹ vẫn đưa ra những con số tai nạn giao thông đáng báo động dù cho nước Mỹ có hệ thống cơ sở hạ tầng đường xá tốt nhất và ý thức tuân thủ luật giao thông của người Mỹ cũng tương đối cao.

Nguyên nhân tại sao? Bởi vì người dân Mỹ đã quá lệ thuộc vào xe ô tô - có quá nhiều xe ô tô ở Mỹ. Trong khi đó tại Curitiba, Brazil, nơi có thu nhập đầu người thấp hơn Mỹ gấp nhiều lần, nhờ có áp dụng chính sách hạn chế ô tô xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đi xe đạp, tỷ lệ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Từ khi chính quyền thành phố Curitiba thực hiện vận động người dân sử dụng giao thông công cộng và đi xe đạp (năm 1974), mật độ giao thông thành phố đã giảm 30% trong khi dân số của thành phố đã tăng gấp đôi lên tới 1,2 triệu người.

 

Để thực hiện giảm bớt xe máy và ô tô tham gia giao thông, có thể sử dụng nhiều cách: tăng phí đỗ xe, phí cầu đường, tăng phí đăng ký xe… nhưng song song với đó cần cải thiện quy hoạch giao thông theo hướng thuận tiện cho người đi xe đạp và người đi bộ và cho các phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời cần có các chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của người dân về những lợi ích của việc đi xe đạp và vận động mọi người quay trở lại với xe đạp. Việc chuyển sang đi xe đạp là một giải pháp khả thi ở nước ta vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế của số đông dân chúng, hơn nữa, các đô thị ở nước ta chưa lớn, việc đạp xe vài ba cây số là có thể được. Đối với những khoảng cách xa hơn, người dân có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt.

 

Hy vọng rằng với sự quay trở lại của xe đạp, trong tương lai chúng ta sẽ không còn nhìn thấy cảnh những cụ già đứng tần ngần một lúc lâu trước dòng xe cộ đông đúc trên phố mà không dám sang đường hay cảnh đường phố ken đặc xe máy ô tô trong tiếng còi inh ỏi và khói bụi vào những giờ cao điểm ở các thành phố lớn.

 

Thanh Ha

kieuthanhha@yahoo.com

 

kieuthanhha@yahoo.com

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)