Tốc độ tối đa cho các loại xe cơ giới

Thứ tư, 17/01/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay Đất nước ta đang trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Vì vậy, nhu cầu tham gia giao thông của mọi tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam ngày càng cao. Bởi vậy hàng năm Nhà nước ta đã tư một lượng tiền khổng lồ...

Họ và tên: Trần Quốc Toán

Cơ quan công tác: SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ GIA LAI

Địa chỉ: 02 - Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku tỉnh Gia Lai

 Email: Toankh63@yahoo.com.vn


Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin trình bày quan điểm của mình về luật quy định tốc độ tối đa cho các loại xe cơ giới. Vì đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất an toan giao thông đường bộ. (Nếu như bài này của tôi được ghi nhận và có hồi âm thì bài sau tôi xin nói tiếp về thực trạng các đối tượng tham gia giao thông và công tác đào tạo lái xe - cũng là một trong những nguyên nhân)

PHẦN I: Luật quy định tốc độ tối đa ảnh hưởng rất xấu đến tình trạng mất an toàn giao thông. Tôi khẳng định như vậy vì những lý do sau:

Hiện nay Đất nước ta đang trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Vì vậy, nhu cầu tham gia giao thông của mọi tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam ngày càng cao. Bởi vậy hàng năm Nhà nước ta đã tư một lượng tiền khổng lồ nhằm cải thiện môi trường giao thông để đáp ứng nhu cầu trên. Hệ thống giao thông đường bộ khắp Đất nước được đầu tư nâng cấp, làm mới, cải tao, sửa sang, mở rộng không ngừng;  Bên cạnh đó, hàng năm một lượng xe cơ giới với chất lượng cao, hiện đại và công suất lớn được nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước được đưa vào lưu thông cũng nhằm mục đích nói trên.. Vậy thì Luật quy định về tốc độ tối đa như hiện nay là không phù hợp và hết sức vô lý, gây tâm lý bất an cho lực lượng lái xe cơ giới trên đường bộ. Là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm luật giao thông là một điều tất yếu, nảy sinh tiêu cực, coi thường kỷ cương phép nước, mất lòng tin của nhân dân.. Thật hết sức phi lý khi Nhà nước càng gia tăng các biện pháp an toàn giao thông nhưng tai nạn không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua.

Tôi xin phân tích những vô lý và bất cập thông qua những nhóm vấn đề như sau:

1. Về đối tượng sử dụng xe:

a. Đối với các cán bộ sử dụng xe con đi công tác:

Tôi dám chắc rằng không một cán bộ nào khi sử dụng xe con đi công tác (mà hiện nay thường là những loại xe chất lượng cao, phân khối lớn) trên đường bộ mà hài lòng  với lái xe chỉ chạy với tốc độ 70km/h (trên đường quốc lộ vắng vẻ) hay 45km/h (khi đi qua thành phố, thị xã, thị trấn... - gọi tắt là khu dân cư - mà ở nước ta, trên các trục lộ giao thông thì mật độ khu dân cư là dày đặc) - tốc độ này áp dụng cho đuờng không có giải phân cách cố định.  Đa số cán bộ khi sử dụng xe ô tô đi công tác đều có chung tâm lý muốn chạy nhanh (tất nhiên trong điều kiện cho phép và phải đảm bảo an toàn) nhằm rút bớt thời gian đi đường để họ có thời gian nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Các Loại xe này đương nhiên phải vi phạm tốc độ quy định

b. Đối với hành khách đi trên các loại xe khách:

Đối với đa số hành khách sẽ không chịu nổi khi lái xe chạy đúng tốc độ quy định vì như vậy thời gian đi đường của họ quá dài, họ sẽ bức xúc, mệt mỏi và quá sức chịu đựng của họ. Chúng ta thử làm một phép tính như sau:

Một người khách đi trên một chiếc xe loại 15 chỗ như Huyndai,Toyota, Ford transit...đi từ Pleiku, Gia Lai đến Hà Nội với chặng đường là 1250km, phải qua trải khoảng 70% loại đường được chạy với tốc độ tối đa 60km/h nhưng trong những chặng này không phải lúc nào người lái xe cũng chạy được tốc độ tối đa vì nhiều yếu tố phức tạp khác có thể xảy ra trên đường nên chỉ có thể chạy được trung bình 50km/h hết khoảng thời gian là:

* 1250km  x 70% : 50km/h  = Khoảng hơn 17 giờ

Chặng đường còn lại phải qua biết bao khu dân cư với tốc độ tối đa 35 đối với đường không có giải phân cách cố định và 40km/h đối với đưòng có giải phân cách cố định. Trong đó có một số đoạn phải chạy rất chậm từ 10 đến 20 km/h bởi tính chất đặc biệt không an toàn vì tình trạng dân cư đông đúc, nhốn nháo, một số đối tượng tham gia giao thông không am hiểu luật, ý thức chấp hành kém, có thói quen đi ngông nghênh trên đường, trong ngõ hẻm phóng vụt ra đường v.v.... Bởi vậy, chặng đường này xe chỉ chạy được trung bình  ước tính là 25 km/h, vậy thì:

* 1250km  x 30%  : 25km/h  =  Khoảng 15 giờ.

Như vậy thời gian xe chạy liên tục là khoảng 32 giờ cộng thêm thời gian nghỉ cho khách giải lao và 4 bữa ăn  trên đường mất khoảng 4 giờ nữa. Tổng cộng khoảng 36 giờ  trên đường (Ròng rã 2 ngày và 1 đêm tức là nếu xuất phát từ Pleiku, Gia lai vào 7h sáng hôm nay thì phải đến 7h tối ngày hôm sau mới đến Hà Nội ). Nếu như vậy thì các xe khách loại này sẽ phải xếp cất vì sẽ có rất rất ít hành khách chọn loại xe này. Đó là chúng ta thử làm một  phép tính (có lẽ tương đối chính xác) để thấy được những tính toán trên lý thuyết là như vậy. Còn trên thực tế thì sao? Các xe khách loại này với chặng đường như trên họ chỉ chạy liên tục mất khoảng 20 đến 24 giờ.(xuất phát từ Gia Lai 7h sáng hôm trước thì đến Hà Nôi vào khoảng từ 8 đến 10 giờ sáng hôm sau mà hầu hết các hành khách vẩn cảm thấy yên tâm và hài lòng).

Vậy thì theo tôi 100% xe vi phạm về tốc độ sao họ vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ hoạt động bình thường? Tất nhiên thỉnh thoảng vẫn có trường hợp bị xử lý. (Nhưng tỷ lệ này là rất thấp - tôi sẽ lý giải điều này ở phần sau)

c. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải hàng hoá:

Các tổ chức này có chức năng kinh doanh trong cơ chế thị trường nên tất nhiên đa phần là muốn mau đi, mau đến cho kịp để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là hàng tươi sống, rau hoa quả.... Ai cũng muốn chạy nhanh để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, gia tăng sự quay vòng của đồng vốn, đặc biệt là đảm bảo chất lượng hàng hoá cũng như tính kịp thời khi giao sản phẩm cho đối tác v.v... Vậy thì các loại xe này có vi phạm quy định về tốc độ hay không? Câu trả lời là có và 100%.

Trên đây tôi đưa ra 3 nhóm đối tượng sử dụng xe với các loại xe khác nhau và nhận thấy rặng gần như 100% các loại xe khi lưu thông trên các tuyến đường đều rơi vào tình tạng vi phạm về tốc độ quy định. Thế thì họ phải đối mặt với những vấn đề gì khi lưu hành trên đường? Tất nhiên sự đối phó và đưa hối lộ cho CSGT. Đó là  tiêu cực! Tình trạng này xảy ra như một lẽ tự nhiện.

2. Về lực lượng lái xe cơ giới đường bộ:

Đối với người lái xe cơ giới trên đưòng bộ ngoài việc phải căng thẳng phân tích, phán đoán để tránh các chướng ngại trên đường để cho xe chạy an toàn  thì họ còn phải trải qua những trạng thái tâm lý như sau:

a. Những người lái xe con phục vụ công tác:

Nếu chạy đúng tốc độ quy định thì họ sợ các sếp không hài lòng vì quá chậm kéo dài thời gian trên đường làm các sếp mệt mỏi. Còn nếu chạy nhanh thì sẽ vi phạm, họ rất lo không biết đoạn nào có CSGT bắn tốc độ.

b. Những người lái các loại xe khách:

Nếu chạy đúng tốc độ quy định thì khách đi đường la ó, chê bai - Nguy cơ khách sẽ không chọn đi xe của mình nữa. Còn chạy nhanh thì cũng lo sợ CSGT như trên.

c. Những người lái các loại xe vận tải hàng hoá:

Nếu tuân thủ đúng luật quy định thì xe của họ sẽ quá châm: Hàng hoá sẽ giao không kịp như yêu cầu. Chủ phương tiện không hài lòng và nếu liên tục chậm trễ thì nguy cơ bị đuổi việc là rất cao. Còn nếu tranh thủ chạy nhanh để đáp ứng được các yêu cầu của chủ thi sẽ vi phạm tốc độ quy định. Lại cũng chung nỗi lo sợ CSGT như đã nói ở trên.

Hầu hết lực lượng lái xe khi hành nghề đều cầu mong sự bình an cho những chuyến đi trong suốt cuộc đời lái xe của họ. Và luật cũng đã nêu: “Người lái xe phải luôn luôn làm chủ tốc độ của xe”. (Tất nhiên cũng có một số lái xe vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông, coi thường tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhưng những đối tượng này là không nhiều, cần được xử lý nghiêm và có biện pháp loại ra khỏi ngành.- Biện pháp này tôi sẽ nói ở phần sau)

Luật quy đinh về tốc độ tối đa như hiện nay đưa hầu hết các lái xe rơi vào tình trạng vi phạm là phổ biến. Cho nên khi lái xe trên đường họ không có được trạng thái tâm lý tốt: Họ vừa phải chạy xe trong môi trường giao thông phức tạp; Các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lúc nào cũng rình rập. Đã vậy, còn bị ám ảnh nỗi lo CSGT bắn tốc độ. Họ phải dò dẫm bằng cấch hỏi đồng nghiệp qua điện thoại di động hoặc ngừng xe dọc đường để hỏi các xe đi ngược chiều xem chổ nào có CSGT bắn tốc độ để đối phó bằng cách chạy chậm lại cho đúng tốc độ quy định ở những điểm nói trên.

Cho nên, hiện tượng chúng ta thường gặp là hàng đoàn xe nối đuôi nhau bò thật chậm khi có CSGT bắn tốc tộ. Khi đã qua được các điểm nói trên thì họ lại chạy thật nhanh để bù lại thời gian bị chậm. Trong thực tế, khi đã qua được những điểm bắn tốc độ rồi thì có tâm lý không còn sợ nũa cho nên ở những quảng đường nay họ vi phạm rất nặng về tốc tộ tối đa cho phép và như vậy thì nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Chuyện đối phó để qua các chốt có bắn tốc độ là như vậy. Còn khi bị CSGT chận xe vì lỗi vi phạm tốc độ thì họ đối phó ra sao? Trong trường hợp này họ đứng trước nguy cơ bị lập biên bản xử phạt. Có nghĩa là họ sẽ phải đến kho bạc nộp tiền, bị bấm lỗ bằng lái, nếu vi phạm nặng thì bị treo bằng lái 90 ngày. Bởi vậy thường thì họ năn nỉ, xin xỏ, đưa hối lộ để CSGT cho qua. Nếu không thành mà bị lập biên bản rồi thì tìm cách “chạy án”. Nếu biết được đường dây “chạy án” thì cũng phải mất từ bốn đến năm  triệu đồng một trường hợp để thoát khỏi án phạt, (điều này do các lái xe khách chạy đường dài tiết lộ). Bởi vì nếu bị phạt thì quá khổ sở như đã nêu ở trên.

Chúng ta thử suy ngẫm mà xem: Đối với một người lái xe thuê để nuôi sống gia đình nếu bị treo bằng lái 90 này đồng nghĩa với việc họ và vợ con họ sẽ bị khốn đốn. Cho nên “chạy án” với mức tiền như trên họ cũng cắn răng mà chịu vì còn hơn là ngồi nhà nghe vợ con kêu ca. Tôi phân tích tình huống và đưa ra quan điểm này không nhằm biện minh cho các lỗi vi phạm của lái xe mà nhằm nói đến một thực trạng của xã hội: Luật bất hợp lý dẫn đến tình trạng vi phạm là ngẫu nhiên và phổ biến. Xe vẫn cứ vi phạm; CSGT vẫn cứ đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát mà tiêu cực cứ tồn tại như một lẽ tự nhiên. Còn người lái xe thì sao? - “Thấp trời thì phải  đi còm” để sinh sống, để tồn tại.

Chúng ta cứ hình dung một người lái xe thì thu nhập của họ được là bao nhiêu? Nếu vài tháng bị bắn tốc độ một lần thì cuộc sống của họ sẽ ra sao? Trong lúc luật quy định và cách kiểm tra tốc độ là một cái bẫy mà có lẽ ai cũng mắc phải. Trong lúc cả Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu cho một xã hội “công bằng, dân chủ và văn minh”. Còn luật quy định về tốc độ tối đa như vậy là khó có thể chấp hành. Điều này lý giải tại sao lực lượng lái xe cứ hành nghề, cứ vi phạm và cứ tồn tại. Còn CSGT cứ làm nhiệm vụ, cứ ăn hối lộ như một vị nữ Đại biểu Quốc Hội đã có lần đưa ra trước Quốc hội với giọng đầy vẻ bức xúc.

Lực lượng lái xe khốn khổ như thế nào trên đường thì bản thân họ biết, người thân, bạn bè họ biết, CSGT biết và có lẽ nhiều tầng lớp trong xã hội cũng biết. Họ nhẫn nại để hành nghề, để sinh sống và chỉ thổ lộ bức xúc với những người thân qua các buổi ngồi cùng nhau bên bàn nhậu hay ở quán cà phê mà thôi. Có ai dám rước tai vạ vào mình khi đứng ra hay phối hợp tố cáo vấn nạn này. Bởi đơn giản trước hết họ là người thường  xuyên vi phạm.

Tôi thiết nghĩ nếu như luật thực sự hợp lý và  đi vào cuộc sống thì đại đa số nhân dân tự giác chấp hành. Lúc này số người vi phạm chỉ là số ít, cá biệt cố  tình vi phạm thì chúng ta dễ nhận ra và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Sẽ mang tính răn đe và tính ngăn ngừa rất hiệu quả.

3. Về lực lượng CSGT:

Tôi không đánh giá thấp vai trò của lực lượng CSGT trong việc giữ gìn trật tự an toàn cho xã hội. Công sức của họ ngày đêm trên những tuyến đường là rất lớn. Nhưng khi đi làm nhiệm vụ một số CSGT đã sử dụng biện pháp bắn tốc độ ở những đoạn đường như những cái bẫy rất hiệu nghiệm. Ví dụ họ bắn tốc độ vào ban đêm ở những đoạn đường vắng vẻ hay ở những đoạn gần ngoại vi thị xã, thị trấnv.v... Khi mà người lái xe có cảm giác an toàn và họ có thể chạy nhanh trong điều kiện cho phép.Vì sao tôi lại nói như vậy?  Chúng ta lại phải đi tìm cái bất hợp lý ở đây.

Ví dụ khi đi qua một thị trấn nhỏ của một tỉnh lẻ. Khu dân cư đông đúc (Giao thông phức tạp và có thể mất an toàn) chỉ tập trung ở hai bên đường khoảng vài km nhưng biển hạn chế tốc độ lại được các ngành chức năng cắm theo mốc lộ giới hành chính có khi khoảng 4 đến 6 km theo quy hoạch đô thị.Bởi vậy, khi đã qua khỏi những quảng đường này việc vi phạm tốc độ cũng là chuyện rất bình thường bởi vì khi người lái xe đã có cảm giác an toàn vì đường vắng vẻ hay đã qua khỏi khu dân cư đông đúc và họ cho xe chạy nhanh lên một chút, nhưng chính vì cái “một chút” này cũng đã vi phạm tốc độ tối đa. Và như vậy người lái xe lại lâm vào cảnh khốn đốn trong khi sự vi phạm của họ là ngẫu nhiên và không gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong mắt của những người dân thì hình ảnh CSGT được Nhà nước trang bị quyền hành, phương tiện và được sự hỗ trợ của luật pháp. Khi họ xuất hành là đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, vì sự bình yên của những con đường, vì tính mạng tài sản của nhân dân. Nhưng trong con mắt của các lái xe thì hình ảnh người CSGT đứng nghiêm dùng hiệu lệnh chặn xe (hình ảnh đẹp) trộn lẫn với hình ảnh người CSGT có những lời lẽ, hành vi và cách nhận tiền từ tay họ (hình ảnh xấu xa) trộn lẫn vào nhau. Nhiều lái xe khi gặp CSGT là mất bình tĩnh đến nguy hiểm.

PHẦN II: Kiến nghị

Theo tôi, khi Nhà nước ta muốn quy định về tốc độ hợp lý cần phải lập các đoàn công tác liên ngành riêng rẽ, đi trên các loại xe và các loại đường khác nhau. Hãy cùng các lái xe hành trình một chặng đường dài khắp cùng Đất nước để trải nghiệm khi chính mình là người ngồi trên xe để xác định cho chính xác tốc độ thế nào là phù hợp; thế nào là tốc độ an toàn hợp lý. Cùng với người dân trải nghiệm thế nào là sự bất cập, sự vô lý mà lâu nay ngưòi dân đang phải gánh chịu. Như vậy sẽ thiết thực hơn là ngồi làm đề án qua các số liệu mà chủ yếu là dựa vào kết quả từ những sự phân tích trên lý thuyết.

Tôi tin chắc rằng con người Việt Nam chúng ta có sẵn lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Một dân tộc thông minh và sáng dạ có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng thì không có lý do gì mà họ không chấp hành luật pháp khi luật pháp thực sự công bằng, hợp lý và đi vào cuộc sống. Những cảnh tai nạn thương tâm sẽ dần đi vào dĩ vãng... Đất nước chúng ta cũng phải có một nền giao thông văn minh hiện đại trong nay mai để đáp úng được nhu cầu giao thông trong tình hình Đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển.

Tôi cũng như nhiều tầng lớp nhân dân đang ngày đêm mong chờ sự đổi thay của luật pháp. Đặc biệt là luật quy định tốc độ tối đa cho phép đối với các loại xe cơ giới khi lưu hành trên đường bộ Việt Nam.

Trần Quốc Toán

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)