Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều 27-7 tại đường ngang ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội), tàu hỏa đâm nát chiếc xe ô-tô ta-xi làm năm người chết và bị thương nặng; chín giờ sau tại đây, lại xảy ra tiếp một vụ tai nạn nữa làm một người chết.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, so cùng kỳ năm ngoái, sáu tháng đầu năm nay, số vụ TNGT đường sắt tăng 13,79%, số người chết tăng 19,19%, số người bị thương tăng 14,6%. Ðặc biệt, TNGT xảy ra tại đường ngang chiếm 236/264 tổng số vụ và trong số các địa phương có đường sắt đi qua, Hà Nội là nơi có số vụ tai nạn cao nhất...
Ðể hạn chế tai nạn tại các đường ngang, nhất là đường ngang dân sinh, ngành đường sắt cùng các địa phương đã thực hiện khá nhiều
biện pháp phòng ngừa, tuy nhiên nguy cơ vẫn chưa giảm. Trong năm nay, một đợt kiểm tra 1.381 đường ngang, trong đó hơn 82% còn tồn tại những bất cập về an toàn, về tổ chức giao thông cần khắc phục. Số lượng đường ngang dân sinh mở không phép còn quá nhiều, một số khu vực mật độ đường ngang dày đặc (khoảng 17 m/một đường ngang). Trong đó đường ngang hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, hầu hết là đường ngang dân sinh không phép...
Có thể nói, ngoài số đường ngang có gác chắn, nhiều đường ngang dân sinh (có thiết bị cảnh báo và không có thiết bị cảnh báo) đang là "điểm đen" TNGT. Không để nguy cơ này lan rộng, trước hết phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng mở thêm đường ngang không phép và lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Ðồng thời, ưu tiên quy hoạch và xây dựng hệ thống đường gom, quy về đường ngang tập trung, giảm bớt số lượng đường ngang dân sinh; tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng tường hộ lan ngăn cách đường bộ và đường sắt ở những nơi dễ xảy ra TNGT. Mặt khác, tăng cường giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông đường sắt nói chung và đường ngang nói riêng; thường xuyên kiểm tra thiết bị cảnh báo; nhắc nhở lái tàu chú ý quan sát và xử lý các tình huống bất thường xảy ra...
Một số biện pháp nói trên đã và đang được tiến hành, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tăng cường sự phối hợp của ngành đường sắt, cảnh sát giao thông và các địa phương có đường sắt đi qua. Ðặc biệt, đối với người tham gia giao thông, không nên cố tình băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo hoặc nhìn thấy tàu, đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc ở đường ngang.
Theo Báo Nhân dân