Tháng an toàn giao thông vừa qua (tháng 9.2010), tai nạn giao thông đường thủy tăng so tháng trước đó và tăng cả so với tháng an toàn giao thông năm 2009. Nhìn lại 9 tháng qua cho thấy, trong khi vẫn chưa hạn chế được nguy cơ tai nạn giao thông do phương tiện thủy gia dụng thì lại đang có những dấu hiệu gia tăng tai nạn bất ngờ do phương tiện trọng tải lớn gây ra.
Theo Cục Cảnh sát Đường thủy, trong tháng 9.2010, lực lượng cảnh sát đường thủy toàn quốc đã kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 19.650 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, tăng 1.000 trường hợp (5,4%) so với tháng 8. Hầu hết địa phương đều tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện thủy chở khách ngang sông và phương tiện gia dụng (phương tiện phục vụ sinh hoạt của gia đình), bởi đây thường xuyên là nhóm có tỷ lệ gây tai nạn chết người cao nhất. Trong đó đã kiểm tra và xử phạt gần 200 bến khách và trên 450 đò ngang, đình chỉ hoạt động 252 phương tiện các loại. Sau nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do đò ngang và phương tiện thủy gia dụng gây ra trong 1 - 2 năm qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của loại phương tiện này. Giữa lực lượng chức năng thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc tuyên truyền, cưỡng chế thực hiện các quy định đối với người lái, đăng kiểm phương tiện và trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm. Tuy nhiên, trong tháng an toàn giao thông vừa qua, toàn quốc vẫn xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 20 người, tăng 1 vụ và 10 người chết so với tháng trước đó và tăng 3 vụ, 5 người chết so với tháng cùng kỳ năm 2009. Tai nạn giao thông gây chết người phần lớn vẫn tập trung vào loại phương tiện thủy gia dụng.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2010, tai nạn giao thông đường thủy do các phương tiện gia dụng vẫn là mối lo lớn, liên quan đến vấn đề còn yếu kém trong công tác đào tạo, phổ biến quy tắc giao thông an toàn đối với người lái, người sử dụng phương tiện và giám sát tình trạng kỹ thuật phương tiện. Có thể kể đến ví dụ điển hình là ngày 7.5.2010 trên tuyến sông La, thuộc xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, khi một thuyền nan nhỏ chở 6 người qua bãi sông để đi nhổ lạc đã bị chìm làm cả 6 người đều thiệt mạng. Hoặc ngày 4.5.2010, thuyền thô sơ chở 3 người đánh bắt cá ngay tại cửa đập thủy điện ở Sêrê pôk thuộc xã Ewer, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk bị nước xoáy lật thuyền làm chết 2 người (5 người đến cứu cũng bị thiệt mạng)... Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn chủ yếu vẫn do chủ quan: vi phạm quy tắc tránh vượt (hơn 40%), đâm va (30%), chở quá tải (14%), phương tiện không đảm bảo an toàn (11%)...
Bên cạnh nguy cơ tai nạn giao thông từ phương tiện gia dụng, gần đây, giao thông đường thủy bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp tai nạn bất ngờ, liên quan đến phương tiện trọng tải lớn. Loại tai nạn này thường gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản hoặc ảnh hưởng đến kết cấu công trình giao thông. Ví dụ gần đây là khoảng 1h sáng ngày 23.9, tại phà Vàm Cống trên sông Hậu thuộc địa phận TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chiếc phà chở khách CT-01751 khi đang chở hơn 100 hành khách và nhiều ôtô, xe máy từ bờ phía tỉnh An Giang sang Đồng Tháp bất ngờ đâm mạnh vào chiếc phà chở khách ký hiệu K100 bắt đầu rời bến để đi theo chiều ngược lại. Phà K100 bị thủng lỗ lớn, nước chảy tràn vào và dần dần chìm. Trên phà K100 cũng chở vài chục hành khách, 6 ô tô các loại. Rất may do tai nạn xảy ra gần bờ nên hành khách được ghe thuyền gần đó đến cứu nạn kịp thời, song các ô tô vẫn bị chìm cùng phà. Tiếp đó, khoảng 16h30 ngày 26.9.2010, tại sông Chảy đoạn qua xã Chí Đám (bờ trái) và thị trấn Đoan Hùng (bờ phải), huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, chiếc tàu tự hành chở cát BKS PT-0823 do Đặng Văn Kiên điều khiển bất ngờ bị đắm và bị nước cuốn vắt ngang vào 3 trụ cầu Đoan Hùng, trở thành vật cản dòng chảy, khiến mực nước phía thượng và hạ lưu cầu chênh lệch lớn. Dòng nước bị chặn đã đổi hướng, xối thẳng vào một trụ cầu và khiến vài chục mét bờ sông phía thị trấn Đoan Hùng bị xói lở, đe dọa đến sự bền vững của trụ cầu. Do nước chảy mạnh nên phải mất hơn 2 giờ, lực lượng chức năng mới kéo được chiếc tàu này ra khỏi vị trí trên để bảo vệ an toàn cầu.
Hiện tượng trên cho thấy, trong khi hệ thống luồng lạch chưa được đầu tư nạo vét thường xuyên, biển báo chưa đầy đủ, ngành chức năng cần chú trọng gia tăng kiểm soát đối với những người vận hành phương tiện (gần đây xuất hiện nhiều trường hợp dùng bằng giả. Riêng tháng 9 vừa qua, Cục Cảnh sát Đường thủy phát hiện 9 trường hợp sử dụng bằng thuyền trưởng giả), tình trạng kỹ thuật, sự chấp hành quy tắc an toàn giao thông của phương tiện trọng tải lớn... để cảnh báo, ngăn chặn những vụ tai nạn do yếu tố bất ngờ.
Báo Đại biểu nhân dân