Ngày 28/7/2009, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Cục trực thuộc Bộ, Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động Tháng An toàn giao thông. Cụ thể như sau:
1. Các Cục căn cứ nội dung Kế hoạch hành động Tháng an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để xây dựng chương trình hành động trong tháng an toàn giao thông phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị và bắt đầu thực hiện từ ngày 15/8/2009. Phát động cuộc vận động cán bộ công chức, viên chức của đơn vị tham gia xây dựng Văn hóa giao thông bằng các hành động thiết thực thực hiện tiêu chí Văn hóa giao thông và các hành vi thể hiện Văn hóa giao thông.
2. Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia các chương trình hoạt động trong tháng an toàn giao thông của địa phương.
3. Cục Đường bộ Việt Nam
a) Chỉ đạo các Khu quản lý đường bộ, các Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ tăng cường công tác duy tuy bảo dưỡng sửa chữa đường bộ, nhanh chóng khắc phục các điểm đen đã được xác định, triển khai các biện pháp an toàn giao thông tại các đèo dốc nguy hiểm; các Ban quản lý dự án đường bộ và các đơn vị đang thi công công trình trên đường bộ thực hiệm nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đối với các công trình vừa khai thác vừa thi công không để xảy ra ùn tắc giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 kế hoạch 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Triển khai ngay việc rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến quốc lộ để loại bỏ, bổ sung biến báo hiệu đường bộ còn thiếu hoặc bất hợp lý.
c) Trên các tuyến hoặc đoạn tuyến đường bộ có nguy cơ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, lũ phải có phương án dự phòng tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng, vật tư để khắc phục các sự cố xảy ra.
d) Phối hợp với các sở giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải đẩy mạnh hơn việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo Chỉ thị 01/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền giáo dục đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách đường bộ, cần chú trọng vào các nội dung không vi phạm về nồng độ cồn, quy định về tốc độ, quy định về số người chở trên xe, đi đúng làn đường, phần đường, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách ở bến xe và trên phương tiện vận chuyển.
4. Cục Đường sắt Việt Nam
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, cần chú trọng các nội dung về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt, an toàn giao thông trên đường ngang.
b) Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác thống kê, phân loại các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
c) Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục rà soát hệ thống đường ngang và xử lý các vấn đề có liên quan đến an toàn giao thông trên đường ngang đường sắt như hệ thống biển báo, thiết bị cảnh báo tự động, tầm nhìn lái tàu..., ngăn chặn tình trạng ném đất đá lên tầu.
5. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
a) Tiếp tục vận động “người đi đò mặc áo phao”, phát áo phao, cặp phao cho học sinh các trường học có nhiều học sinh đi học phải đi qua bến khách ngang sông; tuyên truyền, phổ biến tác dụng của cặp phao đối với học sinh và dụng cụ nổi khi đi đò ngang.
b) Phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các Sở giao thông vận tải tăng cường công tác: quản lý hoạt động của bến khách ngang sông, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của đò ngang, đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định.
6. Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải:
a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm quy định về bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, các phương tiện chở quá tải, quá khổ,các phương tiện thủy nội địa, các bến đò không bảo đảm an toàn giao thông.
b) Phối hợp với lực lượng Cảnh sát nhân dân và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tuyến vận tải khách liên tỉnh, vận tải khách theo hợp đồng; bảo đảm trật tự, an ninh tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, các điểm dừng đón, trả khách.
7. Vụ An toàn giao thông, Văn phòng Bộ phối hợp với Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam tổ chức Lễ phát động, ra quân hưởng ứng “Tháng an toàn giao thông” của Bộ Giao thông vận tải vào ngày 28/8/2009.
TH