Theo đề án quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, Thành phố cần khoảng 353.000 tỷ đồng (hơn 22 tỷ USD) cho hệ thống giao thông đô thị.
Đề án đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng Nhân dân thành phố ngày 28/11, tại hội nghị về phát triển giao thông đô thị.
Theo đề án quy hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ triển khai hơn 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 127.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD).
Trong khi đó, ngân sách thành phố hàng năm chỉ đảm bảo khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu về vốn; 88% còn lại phải huy động từ nhiều nguồn, kể cả phát hành trái phiếu.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương đưa vào danh mục các dự án ưu tiên vận động ODA dự án 5 tuyến tàu điện ngầm và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; quốc lộ 50; cầu Đồng Nai mới và cho phép thành phố triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc liên Vùng phía Nam (vốn dự kiến 19.500 tỷ đồng); tuyến đường vành đai 3 (vốn khoảng 9.500 tỷ đồng).
Giám đốc Sở Giao thông công chính Thành phố Trần Quang Phượng cho biết thành phố hiện có 3.365 tuyến đường với tổng chiều dài 3.223km. Tuy nhiên, với mật độ dân số và phương tiện giao thông hiện nay thì giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải.
Đến cuối tháng 10/2007, tổng số phương tiện cơ giới trên địa bàn thành phố xấp xỉ 3,6 triệu chiếc. Đó là chưa kể đến khoảng 700.000 xe máy và 60.000 xe ôtô mang biển số của các tỉnh, 60.000 xe xích lô, xe ba gác và gần 2 triệu xe đạp./.
TTXVN