Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên vùng biển Việt Nam có khoảng 130.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân hành nghề. Đây là con số cho thấy nghề đánh bắt, khai thác hải sản- một trong những lĩnh vực của kinh tế biển đang rất phát triển. Tuy nhiên, đáng lo ngại hiện nay là tai nạn của tàu cá đang hết sức nhức nhối và hàng năm chiếm hơn 80% tổng số vụ tai nạn trên biển.
Ngoài nguyên nhân bất khả kháng là sự bất thường của thời tiết, thiên tai, tai nạn trên biển gây chết người và thiệt hại tài sản của ngư dân còn do nguyên nhân chủ quan là do trình độ của ngư dân còn thấp, hiểu biết về luật pháp, kiến thức phòng tránh còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế này, ngay từ đầu năm 2007, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC) đã xây dựng chương trình trang bị cho ngư dân những kiến thức thiết thực để giảm thiểu tai nạn trên biển với phương châm “Nói cho dân nghe, giải thích cho dân hiểu”.
Lớp học đầu tiên được VMRCC tổ chức tại xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Theo lãnh đạo Sở Thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh có 3.500 tàu thuyền đánh cá, trong đó có 1.000 tàu đánh bắt xa bờ. Tai nạn trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu ngư dân thiếu hiểu biết về kiến thức phòng tránh. Chủ trương của VMRCC rất thiết thực, nhất là với ngư dân nghèo. Do vậy, khi lãnh đạo VMRCC đặt vấn đề, các ngành chức năng ở Quảng Bình và ngư dân đã nhiệt tình hưởng ứng.
Lớp học ở Cảnh Dương đã thu hút được 300 thuyền trưởng và thuyền viên tham dự. Ông Nguyễn Thành Luân, một thuyền trưởng bộc bạch: “Trước đây bà con tui biết chi mô. Nhờ mấy anh, nay bà con tui biết răng là cứu nạn, răng là cứu hộ; biết xử lý tình huống khi gặp sự cố; cách phát tín hiệu, tần số. Ông Luân còn cho biết, tham dự lớp học không chỉ được trang bị các kiến thức thiết yếu mà còn được VMRCC, tặng mỗi người một phao cứu sinh nên ngư dân rất phấn khởi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chuẩn bị nội dung sát và tập được ngư dân vào lớp học là những khâu then chốt nhất. Trung tâm đã chủ động biên soạn giáo trình, in tờ rơi; điều động những sỹ quan thuyền viên tận tụy nhất phục vụ các lớp học.
Ngay như tờ rơi, Trung tâm đã cán ép nilon, một mặt phủ keo dính để ngư dân có thể dán trên các tàu mà không bị nước biển làm hư hỏng. Về nội dung, ngư dân được trang bị các kiến thức để xử lý các tình huống khi tàu mình gặp nạn; xử lý tình huống khi phát hiện hoặc có yêu cầu giúp tàu bạn gặp nạn; các khuyến cáo về luật pháp, phòng tránh rủi ro; tần số trực canh cho tàu cá của các đài thông tin duyên hải.
“Chúng tôi đã mở được 5 lớp, 2 tháng cuối năm sẽ mở thêm 5 lớp nữa, phấn đấu để ngư dân các tỉnh ven biển đều được tập huấn các kiến thức này” - Tổng giám đốc VMRCC Nguyễn Văn Đợi cho biết.
Ngô Đức Hành