Đây là thông điệp rõ ràng nhất để đưa MBH vào cuộc sống mà những người làm công tác bảo đảm ATGT ở nước ta gửi tới người dân cả nước khi thời điểm 15/9/2007 bắt buộc đội MBH trên các tuyến quốc lộ và đặc biệt là 15/12/2007 việc làm trên được tiến hành trên tất cả các tuyến đường đã gần kề. Với thực tế tình hình trật tự ATGT của nước ta hiện nay đang rất phức tạp, ý thức người tham gia giao thông chưa được nâng cao và tỷ lệ người đội MBH rất thấp thì thông điệp đó lại càng hết sức có ý nghĩa.
Ý thức quyết định
Vì sao Thái Lan với hệ thống giao thông hết sức hiện đại và số lượng xe máy cũng gần tương đương với nước ta (khoảng 16 triệu chiếc) lại có thể tiến hành hiệu quả việc đội MBH?
Ngược lại với Thái Lan mặc dù kinh tế của đại bộ phận dân chúng còn nhiều khó khăn, không ít gia đình không thể cùng lúc mua nhiều chiếc MBH nên Chính phủ Lào mới chỉ thắt chặt việc đội MBH ở thủ đô Viêng Chăn nhưng chỉ chưa đầy một năm hầu hết tất cả người dân đều triển khai nghiêm túc, tỷ lệ người chấp hành đội MBH ở thủ đô Bangkok và Viêng Chăn luôn ở mức trên 90%?
Đi trên đường phố Bangkok và Viêng Chăn, mặc dù có sự chênh nhau khá lớn về sự hoành tráng, hiện đại nhưng tất cả mọi người trong đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc gia Việt Nam đều có chung một sự cảm phục về ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân nơi đây.
Thủ đô Bangkok dù có tới 4.500 CSGT nhưng chỉ có 1/3 số đó tham gia trực tiếp điều hành giao thông. Hơn nữa, số CSGT này cũng rất ít quan tâm đến việc xử phạt mà chủ yếu phân luồng, giải toả ách tắc giao thông. ở Viêng Chăn CSGT lại có rất ít với chưa đầy 300 người. Những trường hợp vi phạm bị xử lý hàng tháng chỉ vài chục người, có tháng còn đếm được trên đầu ngón tay, nhưng người dân vẫn răm rắp thực hiện đội MBH.
Những điều này khác xa so với ở Việt Nam. Mặc dù nước ta cũng đã có quy định bắt buộc đội MBH từ lâu và áp dụng trên một số tuyến quốc lộ và tỉnh lộ từ năm 2003 nhưng tỷ lệ người đội MBH so với người không chấp hành chỉ như muối bỏ bể.
Chỉ khi nào CSGT tiến hành những đợt cao điểm xử phạt mạnh tay, số người đội MBH mới tăng lên, nhưng rồi sau đó một thời gian mọi chuyện lại gần như trở về con số không. ở nhiều tuyến đường, tình trạng đối phó với CSGT như: thuê MBH để qua trạm kiểm soát, để MBH trên xe khi có CSGT mới đội, quay đầu xe đi đường tắt, xin xỏ,... diễn ra phổ biến giữa thanh thiên bạch nhật.
Đủ lý do để... ngụy biện
Với việc ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân nước ta chưa cao và tâm lý hiện nay của đại bộ phận người tham gia giao thông là không sợ mà là đối phó với CSGT nên mọi người biện ra đủ các lý do để nguỵ biện cho việc không đội MBH của mình.
Theo ông Bùi Huynh Long, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, hiện nay số lượng người tham gia giao thông bằng xe máy đội MBH ở Việt Nam rất thấp, trong khi đó số bệnh nhân bị TNGT và chấn thương sọ não ngày càng gia tăng ở mức đáng báo động.
Mọi người đều hiểu nguy cơ của việc không đội MBH và thậm chí đã từng có người thân của mình bị TNGT, tuy nhiên họ vẫn thờ ơ và thường biện minh cho việc không đội MBH của mình như: MBH rất nóng, rất nặng hay không có thẩm mỹ, hoặc không bao giờ đội nó vì chỉ đi trong thành phố và đi quá chậm,...
Có thể khẳng định chắc chắn một điều, không ai trong số người tham gia giao thông không hiểu tác dụng của việc đội MBH bảo vệ đầu như thế nào khi tham gia giao thông. Vấn đề quan trọng nhất chỉ là làm sao để mọi người tự giác chấp hành và sử dụng nó. Thời gian vừa qua, do việc áp dụng đội MBH chưa phát huy được hiệu quả nên TNGT trên địa bàn cả nước gia tăng khó kiểm soát.
Theo nghiên cứu của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Quỹ phòng chống thương vong châu á (AIPF), hiện nay trên 70% số vụ và số người chết do TNGT có liên quan đến xe máy. Hơn nữa có tới 75% số bệnh nhân chấn thương sọ não đang được điều trị tại các bệnh viện là do TNGT, trong đó chỉ có 1,4% số đó là có đội MBH.
Trong suốt những năm vừa qua, khi Việt Nam vẫn đang phải loay hoay để tìm cách kiềm chế gia tăng TNGT thì Thái Lan đã giảm được từ khoảng 15.000 số người chết năm 2004 xuống ở mức khoảng hơn 11.000 năm 2006. Số người chết do TNGT hiện nay ở Lào so với Việt Nam cũng rất ít, chỉ khoảng chưa đầy 500 người mỗi năm.
Cùng gương mẫu
Với việc ý thức tự giác chưa được cải thiện và tâm lý đội MBH để đối phó vẫn ăn sâu trong tiềm thức của người tham gia giao thông thì thật khó cho các cơ quan chức năng để có thể triển khai đồng bộ và hiệu quả việc đưa MBH vào cuộc sống khi thời điểm 15/12/2007 đã gần kề. Khi đó, dù cho tất cả hơn 8.000 CSGT trong biên chế hiện nay và huy động tất cả các lực lượng cảnh sát, công an khác tham gia xử phạt người không đội MBH cũng khó có thể kiểm soát hết được tình hình trên tất cả các tuyến đường.
Kể cả Việt Nam có áp dụng việc xử phạt mạnh tay hơn Lào hay Thái Lan khi áp dụng mức phạt cao và tạm giữ xe máy nhiều ngày, chắc chắn cũng chẳng thể phát huy hiệu quả lâu dài. Bởi việc xử phạt cao sẽ khó phù hợp với điều kiện kinh tế, còn với số lượng xe máy đã vượt ngưỡng 20 triệu thì dù có xây bao nhiêu bãi giữ xe cũng chẳng đủ để chứa số phương tiện vi phạm.
Cả Lào và Thái Lan cũng đều mất nhiều năm để thiết lập Luật đội MBH, nhưng khi Chính phủ thắt chặt quy định bắt buộc thì đã đạt được hiệu quả rất cao và đội MBH khi ngồi lên xe máy đã dần trở thành thói quen của người dân.
Với Thái Lan, khi Chính phủ gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân, đích thân Nhà vua và các thành viên trong Hoàng gia là những người được nhân dân tôn kính đứng ra kêu gọi và tham gia trực tiếp vào các chương trình cổ động việc đưa MBH vào cuộc sống. Chính việc làm đó cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và các ngành, các cấp đã khiến người dân tin tưởng từ đó đồng thuận cùng Chính phủ và chấp hành hết sức nghiêm túc.
Còn với Lào, dù kinh tế của đại bộ phận người dân các tỉnh vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và Chính phủ phải áp dụng giải pháp “tình thế” là triển khai từng bước, trước hết ở Viêng Chăn, sau đó tới các tỉnh lớn khác rồi mới áp dụng đồng loạt trong cả nước. Dù như vậy nhưng người dân Viêng Chăn vẫn hết sức đồng thuận với Chính phủ và ý thức chấp hành Luật Giao thông nói chung và đội MBH nói riêng rất cao. Họ chấp hành tự nguyện và không hề đối phó với CSGT.
Dẫn ra thực tế ở hai nước có thể gọi là “láng giềng” bởi cùng khu vực Đông Nam á và có đại đa số người dân sử dụng xe máy tham gia giao thông để thấy những bất cập còn tồn tại và qua đó có thêm những bài học trong quá trình áp dụng vào thực tế ở nước ta.
Tuy vậy, để có thể triển khai hiệu quả và giải quyết được tất cả những tồn tại yếu kém về cả ý thức tự giác của người dân lẫn việc quản lý của Nhà nước đòi hỏi có sự quyết tâm, đồng thuận và gương mẫu của cả các cấp lãnh đạo từ cấp cao nhất và toàn thể người dân.
Để người dân tin tưởng và đồng thuận và tự giác chấp hành, trước hết những người đứng đầu phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tự mình và người thân trong gia đình phải đội MBH khi đi xe máy. CSGT và các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm minh, không vì những lý do các nhân mà xử phạt người này, không phạt người kia, làm mạnh nơi này không làm ở nơi khác để tạo tâm lý có sự công bằng cho người dân.
Sau cùng, mỗi người dân cũng phải tự giác chấp hành bởi đơn giản đó là quy định của Nhà nước và hơn nữa đó lại là một việc làm mang tính nhân văn- bảo đảm ATGT và tính mạng cho chính mình và xã hội.
(theo giaothongvantai)