Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, năm 2008 thiệt hại về vật chất hại do thiên tai gây ra lên tới trên 13.000 tỷ đồng, với 473 người chết. Năm 2007, thiệt hại do thiên tai gây ra cũng trên 11.500 tỷ đồng, làm 400 người chết. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2001- 2006, thiệt hại do thiên tai, mỗi năm, cũng tương đương 1% GDP của cả nước.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, năm nay sẽ có nhiều cơn bão hơn trung bình các năm, trên biển Đông có khoảng 10- 12 cơn bão và 4-5 áp thấp nhiệt đới, trong đó 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Cũng đã thành thông lệ, năm nay các biện pháp phòng, chống bão, lũ đã được các ngành, các cấp, các địa phương từ trung ương đến địa phương vạch ra rất quyết liệt. Phương châm hàng đầu là thực hiện “4 tại chỗ” để chủ động sống chung với lũ lụt, thiên tai; đồng thời, có thể ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Trong đó, công tác phòng, tránh được xác định là biện pháp chính.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận từ nhiều năm qua là công tác phòng chống thiên tại chỉ tốt khi diễn tập, còn khi bão, lũ thật xảy ra thì “4 tại chỗ” đều không… tại chỗ, từ vật tư, phương tiện, hậu cần cho đến cả … chỉ huy(!). Đây chính là hệ quả tất yếu của cách làm mang nặng tính hình thức, đối phó, hời hợt trong công tác chuẩn bị phòng, tránh của nhiều cấp, ngành và địa phương. Hậu quả là, mỗi mùa mưa bão đến, chúng ta phải trả giá cho sự tắc trách này là hàng trăm sinh mạng con người và nhiều của cải lại bị cuối trôi.
Những cơn mưa trong những ngày cuối tháng Năm vừa qua đã khiến hàng ngàn nông dân ở các vùng trũng của tỉnh ta bị thiệt hại không nhỏ do bị ngập lụt. Nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch bị mất trắng, hàng trăm héc ta cây trồng cạn vừa xuống giống bị hư hai phải trồng lại. Riêng các cánh đồng muối thì thiệt hại là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của hàng ngàn diêm dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các diễn biến không quá bất thường của thời tiết. Nếu thiên tai như bão, lũ lụt xảy ra thì thiệt hại là rất lớn và khó lường.
Mục đích cuối cùng của phòng chống thiên tai là giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Dù muốn hay không, hàng năm chúng ta cũng phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ. Vì thế, công tác phòng chống lụt bão phải thường trực, thường xuyên và phải hết sức thiết thực, hiệu quả và giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra khi đối phó với bão lũ thật.
Báo Bình Định