Ngành Giao thông - Vận tải Nghệ An sẵn sàng ứng phó bão, lụt...

Thứ hai, 10/08/2009 07:44 GMT+7
Thực tế về giao thông những năm trước cho thấy, do chưa hoàn thiện nên nhiều đoạn đường chỉ cần một trận mưa lớn đã xảy ra sạt lở, ách tắc, đặc biệt là Quốc lộ 48, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 7 và những tuyến đường liên huyện thuộc các huyện miền núi cao. Với tổng chiều dài 16.137 km, trong đó hiện có nhiều tuyến đường đang trong giai đoạn thi công, cải tạo nâng cấp như đường nối QL 7A - QL 48, đường Tây Nghệ An, Quốc lộ 48, nên việc đảm bảo các công trình trong mùa mưa bão là một việc làm hết sức quan trọng.
Càng gần đến mùa mưa bão, nỗi lo về đảm bảo giao thông càng trở nên nặng nề, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, giao thương giữa các vùng, miền. Thực tế về giao thông những năm trước cho thấy, do chưa hoàn thiện nên nhiều đoạn đường chỉ cần một trận mưa lớn đã xảy ra sạt lở, ách tắc, đặc biệt là Quốc lộ 48, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 7 và những tuyến đường liên huyện thuộc các huyện miền núi cao. Với tổng chiều dài 16.137 km, trong đó hiện có nhiều tuyến đường đang trong giai đoạn thi công, cải tạo nâng cấp như đường nối QL 7A - QL 48, đường Tây Nghệ An, Quốc lộ 48, nên việc đảm bảo các công trình trong mùa mưa bão là một việc làm hết sức quan trọng.
 
Xác định đây là một trong những trục đường chính của cả tỉnh nên ngành Giao thông cũng đã đưa ra phương án nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận tiện. Thời điểm này các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý như Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng cầu đường Nghệ An, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông thuỷ bộ.. đặc biệt quan tâm các cầu yếu, độ an toàn của hệ thống cầu treo, kết cấu cầu, cống có dấu hiệu xuống cấp để đề xuất kế hoạch sửa chữa, xây dựng phương án đảm bảo giao thông đề phòng khi có sự cố xảy ra.
 
Với các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang nhất thiết phải có phương án phòng chống lụt bão cho từng hạng mục, triển khai phương án di chuyển thiết bị, vật tư an toàn khi có bão lụt đến. Thường xuyên thực hiện công tác tuần đường, phát hiện những hư hỏng đột xuất, xem xét lại khả năng thoát nước của các công trình hiện có trên tuyến để kịp thời hoàn chỉnh và bổ sung.
 
Đặc biệt quan tâm đến các công việc thông cống, vét rãnh dọc, thanh thải các chướng ngại vật gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Giải phóng hành lang giao thông, tỉa cành cây, bổ sung đủ cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ, sơn lại các cột thuỷ chí ở những đoạn đường bị ngập và các trạm, chuẩn bị tiêu, vè để cắm những đoạn đường hay bị ngập lụt.
 
Với hệ thống giao thông đường thuỷ, ngành Giao thông lên phương án chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ như tàu công tác, phao cứu sinh, hệ thống thông tin, tín hiệu chuyên dùng trong đường thủy, kiểm tra chất lượng các phương tiện vận tải thủy, chuẩn bị đủ cơ số nguyên nhiên liệu dự trữ cho các phương tiện hoạt động trong mùa mưa bão, tổ chức tốt công tác tuần tra trên tuyến. Lập phương án bố trí ẩn nấp cho phương tiện tàu thủy khi bão đến.
 
Để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường thuỷ được an toàn, thời gian qua Thanh tra Sở Giao thông cũng đã tiến hành kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên các tuyến sông và đã đình chỉ 68 phương tiện không đủ tiêu chuẩn vận hành. Tại những khu vực trọng điểm như cảng Cửa Lò, cảng Bến Thuỷ, cảng Cửa Hội..., ngành Giao thông cũng đã phối hợp với các ngành liên quan như công an, bộ đội biên phòng và các địa phương để bố trí các phương tiện thủy loại lớn phục vụ ứng cứu, đảm bảo an toàn cho các loại phương tiện thuỷ ra vào cảng.
 
Do nằm ở khu vực cao nên ga Vinh ít có khả năng ngập lụt toàn bộ nhưng vẫn có những nơi có thể ngập úng cục bộ khi mưa lớn như : Ghi H13, H14, các đường 4, 5, 6, 7.... Đấy là chưa nói đến những đoạn đường có khả năng bị xói lở khi có mưa lụt.
 
Để chủ động đối phó với những diễn biến thất thường của thời tiết, ga Vinh cũng đã đưa ra nhiều phương án phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và phương án chuyển tải hành khách khi bất thường có mưa lũ xảy ra. Đã tiến hành kiểm tra cầu, đường, tuần đường, tuần cầu, chốt gác các vị trí xung yếu... trong đó chú trọng đến các vị trí như tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn, tuyến Thống Nhất (đoạn qua Cầu Lồi, cầu Yên Xuân).
 
Trong trường hợp có bão lụt xảy ra, sẽ tổ chức kiểm tra ngay các địa điểm xung yếu, tình hình hàng hoá đang đọng tại ga, sẵn sàng lập tàu cứu viện, tàu công trình chuyên chở vật liệu để khắc phục hậu quả bão lụt. Trong trường hợp bị ách tắc tàu, ga Vinh cũng đã lên phương án để chuyển tải hành khách bằng ô tô và phối hợp với chính quyền địa phương sở tại để lên phương án giữ gìn an ninh trật tư trong khu vực nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng đối với hành khách đi tàu...
 
Mùa mưa bão đang đến rất gần, ngành Giao thông đã chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với mùa mưa lụt với tinh thần nghiêm túc, chu đáo. Tuy nhiên trước sự thất thường của thời tiết, mọi sự chuẩn bị sẽ đầy đủ hơn nếu nhận được sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương cả trước, trong và sau bão, lụt.
Báo Nghệ an
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)