Những năm qua, các địa phương và một số Bộ, ngành đã áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhằm tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, hướng tới việc phục vụ nhân dân tốt hơn, giảm sự phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức.
Cũng nhờ đó, người dân được tiếp nhận phản ánh để giải quyết công việc tốt hơn và càng tăng cường sự tin tưởng vào chính quyền.
Tại bộ phận "một cửa" đã thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hồ sơ, trình tự, thời gian, lệ phí giải quyết công việc. Các ngành như Kế hoạch đầu tư, thuế và hải quan,... là những lĩnh vực phải thường xuyên giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến từng người dân và doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực, cải thiện nhằm phục vụ tốt hơn tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
"Một cửa" giúp "việc thông, công thoáng"
Có thể dẫn chứng kết quả của ngành BHXH thí điểm cơ chế một cửa liên thông để giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho hàng chục triệu đối tượng tham gia và thụ hưởng.
Chỉ tính riêng từ năm 2009, trong hơn 1 năm thực hiện cơ chế "một cửa", thời gian giải quyết tất cả các loại hồ sơ được rút ngắn đáng kể so với quy định của Luật BHXH và của BHXH Việt Nam, như thời hạn giải quyết chế độ hưu trí từ 5 - 15 ngày (theo quy định tối đa 30 ngày); giải quyết các chế độ tử tuất và hồ sơ hưởng trợ cấp một lần: từ 5 - 10 ngày (theo quy định tối đa 15 ngày); Thẩm định hồ sơ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức: từ 3 - 7 ngày (theo quy đinh tối đa 15 ngày); Cấp sổ số lương từ 10 sổ trở lên: từ 5 - 10 ngày (theo quy định tối đa 30 ngày); Chuyển đi, chuyển đến, giới thiệu đi giám định Y khoa hoặc những trường hợp cấp sổ BHXH số lượng ít dưới 10 hồ sơ giải quyết ngay trong ngày…
Cơ chế một cửa là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của 1 cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.
Sơ kết thí điểm cơ chế một cửa liên thông - ứng dụng công nghệ thông tin tại BHXH 9 tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, Vĩnh Long, An Giang và Hải Dương cho thấy, tại BHXH 9 tỉnh, thành phố này đã tổ chức tiếp nhận 1.408.491 hồ sơ các loại, chủ yếu là hồ sơ xin cấp thẻ BHYT, sổ BHXH, hồ sơ hưởng các chế độ trợ cấp BHXH dài hạn và ngắn hạn… Nhìn chung các hồ sơ sau khi tiếp nhận đều được giải quyết kịp thời, chính xác.
Các địa phương có kết quả tỷ lệ giải quyết hồ sơ sau khi tiếp nhận cao trên 97% như: Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, An Giang, Đà Nẵng, Hải Dương. Ngoài ra, tại bộ phận “một cửa” còn thực hiện tư vấn về chính sách BHXH, BHYT cho trên 33.000 lượt người.
Hay một dẫn chứng sinh động khác từ huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, địa phương này xác định việc hiện đại hóa nền hành chính thể hiện qua việc đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm “một cửa”, giúp cho các tổ chức và công dân có thể theo dõi được thông tin, trình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục của mình, giúp cho lãnh đạo có thể theo dõi quá trình luân chuyển giải quyết hồ sơ thủ tục ở từng cơ quan đơn vị...
Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tổ chức bộ máy cán bộ ở các xã trên địa bàn huyện Điện Bàn cũng được củng cố và sắp xếp lại hợp lý hơn. Từ 388 cán bộ theo Nghị định 50/CP giảm xuống còn 364 cán bộ theo Nghị định 09/CP và hiện nay sau khi sắp xếp lại theo tinh thần Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ, tổng số cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã trên toàn huyện là 315 người. Song song với việc củng cố bộ máy cán bộ từ huyện đến xã, bộ phận ở các thôn cũng được kiện toàn. Đến cuối năm 2009, toàn huyện có 182 thôn với tổng số cán bộ là 918 người.
nhưng cũng còn "cửa" nhưng chưa "liên thông"
Tuy nhiên, việc thực hiện theo cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, việc giải quyết thủ tục hành chính mới chỉ dừng lại ở bộ phận "một cửa" của từng cơ quan, đơn vị, mà chưa được thực hiện phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo cơ chế liên thông, do đó tổ chức, công dân còn phải đi lại tới nhiều cơ quan.
Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước
Về thực chất, bộ phận "một cửa" chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả, chưa trực tiếp thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính mà phải chuyển tới các bộ phận chuyên môn thực hiện, nên thời gian, quy trình thực hiện còn rườm rà.
Do vậy, ngoài một số mô hình một cửa liên thông trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp như việc áp dụng cơ chế một cửa liên thông đối với 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và đăng ký khắc dấu; việc áp dụng mô hình liên thông hiện đại tại một số đơn vị như ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng), TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình "một cửa điện tử" tại một số cơ quan Hải quan; mô hình "một cửa" liên thông của Cảng Hải Phòng về thủ tục cho tàu nước ngoài vào cảng... thì vẫn còn một số bộ phận "một cửa" mang tính "văn thư cải tiến".
Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế một cửa nếu không gắn với việc đơn giản hóa quy trình thực hiện, hồ sơ giấy tờ, yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC thì cơ chế một cửa sẽ trở nên hình thức, "bình mới - rượu cũ". Nhất là khi điều kiện bảo đảm để con người, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và đi lền là quy trình tổ chức công việc còn bất cập.
Cắt giảm chi phí cho dân, doanh nghiệp cần phải coi là xuất phát điểm của cải cách TTHC
Chia sẻ nhận định này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chính vì vậy, việc triển khai các mô hình một cửa, một cửa liên thông, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO tại các cơ quan hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện thủ tục hành chính chỉ thực sự có hiệu quả nếu được gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, bởi vì các giải pháp nêu trên chỉ là công cụ, là hình thức để thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói, cải cách thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp phải là xuất phát điểm trước khi áp dụng các công cụ tiên tiến mới mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
CP