Cần giải pháp, cơ chế nhân rộng mô hình tự quản

Thứ hai, 18/08/2014 00:00 GMT+7

Dù phải cạnh tranh với sự gia tăng của các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, taxi… nhưng nghề xe ôm trên địa bàn thành phố vẫn ngày một phát triển. Vấn đề đặt ra là tìm ra mô hình tổ chức quản lý hiệu quả, đưa hoạt động xe ôm vào quy củ, bảo đảm ANTT và ATGT…

Dù phải cạnh tranh với sự gia tăng của các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, taxi… nhưng nghề xe ôm trên địa bàn thành phố vẫn ngày một phát triển. Vấn đề đặt ra là tìm ra mô hình tổ chức quản lý hiệu quả, đưa hoạt động xe ôm vào quy củ, bảo đảm ANTT và ATGT…

 

Xe của Công ty CP Dịch vụ xe ôm Văn Minh giúp thí sinh đi lại trong kỳ thi đại học vừa qua

Phải khẳng định, người hành nghề xe ôm hiện nay chủ yếu vẫn là lao động nghèo, hoặc những lao động ở nông thôn tận dụng thời gian nông nhàn lên thành phố làm thời vụ. Vì chưa có cơ quan quản lý, hỗ trợ nên việc hành nghề xe ôm còn trong tình trạng manh nha, tự phát, mạnh ai nấy làm. Điều đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật khách gây mất an ninh trật tự.

Để khắc phục tình trạng lộn xộn, hành nghề tự do gây mất ANTT của đội ngũ xe ôm, trước đây Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã dự thảo thông tư về việc quản lý đối với hoạt động này với các tiêu chí như: Người hành nghề phải có giấy phép kinh doanh, hoạt động theo tổ nhóm, trên phương tiện hành nghề phải niêm yết giá cả… Thế nhưng, do các tiêu chí đề ra tính khả thi không cao, nên đến nay vẫn chưa có sự thống nhất ban hành. Tuy nhiên, gần đây tại các bến xe, bệnh viện, trường học, nhà ga, một số mô hình xe ôm tự quản đã ra đời. Ví dụ, tại Bến xe phía Nam, ngay từ năm 2007, đơn vị đã ký hợp đồng với gần 200 lao động trước đây vẫn hành nghề tự do phía ngoài bến. Tại Bến xe Mỹ Đình thì có Công ty CP dịch vụ Xe ôm Văn Minh, Xe ôm Thân thiện… những công ty này thường xuyên có hàng chục lao động sẵn sàng làm nhiệm vụ vận chuyển khi khách hàng có nhu cầu. Đáng chú ý, khi tham gia công ty, ngoài việc được trang bị phương tiện, đồng phục (có in lôgô, phù hiệu, số xe), người lao động còn được trang bị thêm điện thoại di động cùng thiết bị định vị. Hằng tháng được đóng bảo hiểm và hưởng lương theo doanh thu của công ty. Nhìn chung, các mô hình xe ôm tự quản đều hoạt động khá hiệu quả, với tính chuyên nghiệp cao và có những đóng góp thiết thực đối với xã hội. Trưởng Công an phường Giáp Bát Vũ Đình Thoái cho biết: Từ khi mô hình xe ôm tự quản tại Bến xe phía Nam đi vào hoạt động thì tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách gây mất ANTT, ATGT phía ngoài bến xe cơ bản đã được giải quyết.

Thế nhưng, hiện nay những mô hình này còn chưa nhiều do còn những bất cập khó khăn trong công tác quản lý. Thiết nghĩ, để nhân rộng mô hình này, các cơ quan chức năng cần phải sớm tìm giải pháp, cơ chế phù hợp để giúp các công ty và người hành nghề xe ôm được hoạt động như các phương tiện chuyên chở, vận tải khác... Có như vậy, người hành nghề xe ôm mới có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho xã hội.

Nguồn: Hà Nội Mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)